Lạm phát 2020 hoàn toàn có thể được kiểm soát dưới 4%, nếu giá thực phẩm, trong đó có giá thịt lợn được đưa về mức như Chính phủ mong muốn.
Lạm phát quý II sẽ thấp hơn quý I
Tại Tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2020 cho Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách vừa tổ chức, đại diện VEPR, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ năm 2019 tăng 5,56%. Sau khi tăng mạnh kể từ quý III/2019, giá cả tiêu dùng bắt đầu giảm từ tháng 2/2020.
Dự báo về lạm phát quý II, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR cho rằng, với thực trạng nền kinh tế thế giới và trong nước gặp khó khăn, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng hàng hóa của người dân giảm, giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa cũng giảm, lạm phát bình quân của quý II/2020 có khả năng sẽ thấp hơn quý I.
Nhận định về lạm phát trong năm 2020, PGS.TS Phạm Thế Anh cho biết, rủi ro lạm phát do cầu kéo gần như không có, rủi ro từ tỷ giá ở mức thấp, trong khi rủi ro do gián đoạn nguồn cung (lương thực thực phẩm) tăng lên.
“Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,0% có thể đạt được nếu giá cả lương thực thực phẩm được kiểm soát tốt”, đại diện VEPR nói.
Trước đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, nguyên nhân khiến CPI quý I/2020 tăng do nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn tăng cao, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới. Việc hạ nhiệt giá thịt lợn sẽ góp phần kiểm soát tốt chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Được biết, để kiểm soát CPI, Chính phủ đã chỉ đạo NK thịt lợn để giảm giá thịt lợn trong nước. Tuy nhiên, hiện tại, theo khảo sát thưc tế, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh, siêu thị vẫn chưa giảm như mục tiêu của Chính phủ.
Mới đây, dự báo về tăng trưởng kinh tế cũng như CPI của Việt Nam, mặc dù nhận định áp lực lạm phát dự báo sẽ tăng lên tạm thời, điều này phản ánh bất định về giá lương thực, thực phẩm và nhiên liệu, cũng như khả năng bị gián đoạn thương mại, nhưng Ngân hàng Thế giới dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2020 cũng chỉ ở mức 3,5%.
Giá dầu giảm hỗ trợ kiểm soát lạm phát
Liên quan vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, nếu so với thời điểm 2009 hay 2012, Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn để ổn định vĩ mô, thậm chí còn đủ nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng, và một trong những thuận lợi được chuyên gia này nhấn mạnh là lạm phát thấp.
Chuyên gia này cũng cho rằng, giá dầu đã giảm rất sâu, giá thịt lợn nhiều khả năng cũng sẽ giảm nhờ dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế và quyết tâm của Chính phủ.
“Thực phẩm và nhiên liệu là 2 nhóm hàng hóa có tác động lớn đến CPI nên CPI năm 2020 chắc chắn sẽ tăng thấp. Lạm phát thấp là tiền đề quan trọng để giảm lãi suất nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ trong 2 nhiệm kỳ qua có thể nói là đã hiệu quả hơn nhiều so với thời gian trước đó. Năm 2008 và 2011 lạm phát phi mã có nguyên nhân chính từ sai lầm của chính sách tiền tệ vì kích tín dụng tăng quá mạnh và thiếu định hướng”, chuyên gia Nguyễn Đức Hùng Linh nói.
Về vấn đề này, mới đây, các chuyên gia của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa đưa ra báo cáo cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay giá dầu thế giới đã giảm trên 60%, có nhiều tác động đối với nền kinh tế toàn cầu cả tích cực lẫn tiêu cực.
Đối với Việt Nam, giá dầu thế giới giảm góp phần giảm chi phí sản xuất cho DN và người tiêu dùng, qua đó kích thích đầu tư và tiêu dùng, đồng thời tiết kiệm được lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
“Giá xăng dầu giảm, làm giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Giá dầu giảm mạnh tác động trực tiếp, làm giảm tới nhóm giao thông và nhóm dịch vụ điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng…v.v.; từ đó làm giảm áp lực lên CPI. CPI bình quân quý I/2020 tăng 5,56% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 5 năm. Do đó, việc giảm giá xăng, dầu sẽ góp phần giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, báo cáo của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV cho biết.

Nguồn: Haiquanonline