Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho biết, nông dân Mỹ đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự thay đổi đột ngột về nhu cầu nông sản. Việc các trường học, nhà hàng đều đóng cửa, và có thêm nhiều người Mỹ ở nhà đã làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm, buộc nhiều nông dân phải tiêu hủy sản phẩm do không có người mua.
Bộ Nông nghiệp Mỹ hiện đang hợp tác với các nhà phân phối khu vực và địa phương để mua 3 tỷ USD nông sản cấp cho các “ngân hàng thực phẩm”, các nhà thờ và các nhóm viện trợ trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ bị mất việc làm do chính sách cách ly xã hội khiến các hoạt động kinh tế bị ngưng trệ. Không chỉ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, dịch bệnh còn gây thiếu nghiêm trọng nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp (thu hoạch vụ mùa, hay đóng gói thực phẩm).
Tổng thống Donald Trump cho biết Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ được hỗ trợ thêm 14 tỷ USD vào tháng 7 tới.
Cũng trong ngày 17/4, giới chức Mỹ khẳng định 1,6 triệu doanh nghiệp nhỏ của Mỹ đã nhận được hỗ trợ trong chương trình cho vay quy mô lớn nhằm giúp các doanh nghiệp này không bị đóng cửa do dịch bệnh.
Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) là một phần trong gói kích thích trị giá 2.200 tỷ USD được Quốc hội phê chuẩn vào tháng trước giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua được các động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Người đứng đầu cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ (SBA) Jovita Carranza khẳng định chương trình trên đã cứu hàng triệu việc làm cho người dân Mỹ và giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua giai đoạn thách thức này. Các nghị sĩ đảng Cộng hòa và Dân chủ tại Quốc hội hiện đang thảo luận về việc chi thêm 250 tỷ USD để hỗ trợ người lao động và gia đình họ.
Theo thống kê, ước tính 22 triệu người Mỹ đã bị mất việc làm kể từ giữa tháng 3. Chỉ trong chưa đầy 2 tuần, số tiền 349 tỷ USD dành cho chương trình PPP đã được giải ngân xong cho các doanh nghiệp. Khoảng 74% trong số các doanh nghiệp này nhận được khoản vay dưới 150.000 USD.
 

Nguồn: VITIC/Reuters