Đây được coi là dấu hiệu cho thấy xu hướng hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 cường quốc kinh tế sau gần 2 năm xung đột.
Chỉ 2 ngày trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 theo kế hoạch với Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định trong báo cáo nửa năm một lần trình Quốc hội rằng, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã mạnh lên và Bắc Kinh không còn bị coi là một quốc gia thao túng tiền tệ.
Trong báo cáo ra 6 tháng một lần gửi quốc hội ngày 13/1/2020, Bộ Tài chính Mỹ cho biết ở thời điểm hiện tại, họ không phát hiện đối tác thương mại lớn nào, bao gồm cả Trung Quốc, vi phạm các tiêu chuẩn để bị coi là thao túng tiền tệ. Thay vào đó, cơ quan này xếp Trung Quốc cùng 9 đối tác thương mại khác, như Đức, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, vào danh sách theo dõi.
Tháng 8/2019, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, tuyên bố coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ . Dó là thời điểm căng thẳng thương mại song phương leo thang và đồng CNY giảm giá so với USD vượt mốc 7 CNY đổi 1 USD. Quyết định của Mỹ được đưa ra sau khi cùng ngày Trung Quốc để đồng NDT lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu phá ngưỡng 7 CNY đổi 1 USD, khiến các thị trường tài chính hỗn loạn và giới đầu tư chờ xem đồng tiền này có giảm sâu hơn nữa hay không. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) một ngày sau đó tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quyết định ngừng coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ được Mỹ đưa ra chỉ vài ngày trước khi hai nước ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, vào ngày 15/1/2020. Theo báo cáo, Bộ Tài chính Mỹ nhận thấy Trung Quốc “đã có những cam kết có thể thực hiện để kiềm chế hạ giá tiền tệ để cạnh tranh” và nhất trí công bố số liệu về tỷ giá hối đoái, cán cân ngoại tệ.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 13/1 tới Washington để chuẩn bị cho lễ ký. Các nguồn thạo tin cho biết mác thao túng tiền tệ không gây hậu quả thực tế với Bắc Kinh nhưng việc gỡ bỏ là biểu tượng thiện chí quan trọng.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng ngày cho biết quá trình dịch thuật thỏa thuận đã gần hoàn tất và nội dung sẽ được công bố vào ngày 15/1, ngay trước lễ ký.
Giới phân tích và các nhà giao dịch cho rằng Chính phủ Trung Quốc có thể đang khuyến khích việc đồng CNY lên giá như một sự nhượng bộ trước Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã nhiều lần cáo buộc Trung Quốc giảm giá đồng nội tệ.
Đồng CNY của Trung Quốc dù vừa trải qua năm giảm giá thứ hai so với đồng USD đang bất ngờ chuyển hướng trở thành khoản đầu tư an toàn khi Mỹ và Trung Quốc chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại đang rất được trông đợi trong tuần này. Điều đó có thể tạo cơ sở để đồng CNY lên giá mạnh hơn khi các tài sản của Trung Quốc với mức giá hấp dẫn đang thúc đẩy nhu cầu toàn cầu với đồng tiền này đã tăng giá hơn 2,5% so với đồng USD kể từ đầu tháng 12/2019 này.
Việc Chính phủ Trung Quốc duy trì sự kiểm soát đối với đồng CNY trong một tuần mà giá tài sản trên toàn cầu sụt giảm do những căng thẳng tại Trung Đông cũng đang tạo sự hấp dẫn cho đồng tiền này.
Ngày 14/1/2020, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, người phát ngôn Cảnh Sảng đánh giá cao việc Bộ Tài chính Mỹ loại bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Phát biểu tại buổi họp báo, người phát ngôn Cảnh Sảng cho rằng, báo cáo gần đây nhất của Tổ chức tiền tệ quốc tế IMF cho thấy tỷ giá đồng nhân dân tệ phù hợp với tình trạng nền kinh tế tương ứng, như vậy từ góc độ khách quan IMF đã phủ nhận việc Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ. Ông Cảnh Sảng cũng khẳng định, Trung Quốc là nước lớn có trách nhiệm và nước này sẽ không lấy tỷ giá làm công cụ để đối phó với chiến tranh thương mại.
Trung Quốc vẫn đang không ngừng tiến hành cải cách tỷ giá theo cơ chế thị trường, đồng thời đảm bảo tỷ giá đồng CNY trong mức hợp lý, cơ bản và ổn định. “Trung Quốc không phải là quốc gia thao túng tiền tệ, kết luận mới nhất của Mỹ phù hợp với tình hình thực tế và cũng phù hợp với nhận thức chung của cộng đồng quốc tế”, ông Cảnh Sảng nói.
Theo nhà quản lý quỹ tại Hexa Asset Management ở Thượng Hải, Li Haitao, so với các tài sản khác, những tài sản được định giá theo đồng CNY là một lựa chọn được yêu thích.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ lượng kỷ lục trái phiếu của Trung Quốc đã cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng. Tuần trước, sàn giao dịch ngoại hối của nước này cho biết các nhà đầu tư ngoại đã mua ròng số trái phiếu trị giá 1.100 tỷ CNY (158,93 tỷ USD) trong năm 2019, và số liệu chính thức cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 1.310 tỷ CNY trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào cuối tháng 12/2019, tháng thứ 10 liên tiếp ở mức cao kỷ lục.
Việc lãi suất trái phiếu của Trung Quốc tăng cũng đang là điều hấp dẫn đầu tư nước ngoài. Theo nhà quản lý danh mục đầu tư tại Western Asset Management ở Singapore, Desmond Soon, lãi suất trái phiếu chính phủ tại Trung Quốc là khoảng 3%, còn tại các các nước phát triển là 1% hoặc thấp hơn. Western Asset đã bắt đầu mua trái phiếu của Trung Quốc vào năm ngoái và sẽ mua nhiều hơn.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, dù tăng mạnh trong năm ngoái. Theo chiến lược gia về thị trường toàn cầu Zhu Chaoping thuộc J.P. Morgan Asset Management ở Thượng Hải, so với thị trường chứng khoán Mỹ, giá cổ phiếu tại Trung Quốc vẫn tương đối thấp và các thị trường vẫn rất lạc quan về việc Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Dòng tiền đổ vào chứng khoán Trung Quốc đang củng cố giá trị của đồng CNY.
Tuy nhiên, có những rủi ro đối với đồng tiền của Trung Quốc. Đồng tiền này giảm 5,3% trong năm 2018 và 1,3% năm 2019 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Nếu căng thẳng thương mại gia tăng, việc đồng CNY mạnh sẽ không phù hợp với một nền kinh tế đang tăng trưởng thấp nhất trong ba thập niên. Một khảo sát của Reuters trong tuần trước cho thấy việc đồng CNY tăng giá gần đây có thể chỉ là tạm thời và đồng tiền này sẽ giảm mạnh hơn trong năm nay.

Nguồn: VITIC