Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ sẽ rút lui khỏi TPP vào ngày 23/1. Tuy nhiên, trong một cuộc thảo luận tại Nhật Bản vào đầu tháng 4, ông Hiroshige Seko, Bộ trưởng Công thương Nhật, đã đưa ra một kế hoạch thay thế dành cho các đối tác tại ASEAN: loại bỏ Mỹ, và xây dựng TPP với 11 thành viên (TPP-11).

Cho đến gần đây, Tokyo vẫn cho rằng, “TPP không có Mỹ thì không có ý nghĩa”, như Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã phát biểu như thế vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng nay thì họ đã thay đổi quan điểm.

Một lý do là rõ ràng chính quyền Trump không phản đối hiệp định này. Ông Abe và ông Trump đã thống nhất trong buổi thảo luận vào tháng 2 về việc tìm ra cách tốt nhất để thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sau khi Mỹ đã rút khỏi TPP. Theo một tuyên bố chung sau cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nhật và Mỹ, điều này bao gồm việc “Nhật Bản sẽ tiếp tục theo đuổi các dự định của mình dựa trên chương trình hiện tại.”

Một nguồn tin từ chính phủ Nhật cho biết: “Nhật Bản đã xác nhận với Mỹ rằng, điều này bao gồm một TPP với 11 thành viên”.

Cờ đến tay ai, người ấy phất

Nhiều nước kì vọng Nhật Bản sẽ đi đầu trong nỗ lực này. Theo một quan chức ngoại giao của Singapore, TPP sẽ không có tương lai nếu Nhật Bản không hành động. Ngay cả một vài chuyên gia và nghị sĩ của Mỹ cũng ủng hộ việc Nhật thay thế Mỹ trong việc thúc đẩy khu tự do thương mại tại Châu Á. Đã có nhiều lo ngại rằng việc Mỹ rút khỏi TPP có thể giúp Trung Quốc tăng ảnh hưởng tại khu vực.

Trong bước đầu tiên, Nhật Bản muốn tổ chức một hội nghị bộ trưởng các nước TPP tại Việt Nam vào cuối tháng 4, nhằm đưa ra tuyên bố chung về việc xem xét các cách thức hiện thực hóa TPP-11. Để làm được như vậy, các nước thành viên còn lại phải nỗ lực nhiều nhằm sửa đổi lại các điều khoản mà không có Mỹ.

Các thành viên như Nhật Bản và Úc xem ra rất sẵn sàng, nhưng họ cần phải thu hút thêm sự ủng hộ của các nước khác, vốn đã nhân nhượng rất nhiều với giả định Mỹ sẽ tham gia hiệp định, và giờ đây kém hào hứng hẳn khi không còn được tiếp cận thị trường Mỹ.

Với các nước này, việc bỏ những điều khoản mà trước đây họ đã nhượng bộ với Mỹ gần như đồng nghĩa với việc phải đàm phán lại. Thuyết phục tất cả các nước liên quan về các luật chơi của khối là rất quan trọng, và là một nhiệm vụ khó khăn.

Nhật tìm kiếm gì từ TPP?


Việc Nhật Bản theo đuổi TPP là môt đối trọng cho kế hoạch mới của Washington là theo đuổi các hiệp định song phương. Mỹ đang muốn gây áp lực lên Nhật Bản nhằm giảm thâm hụt thương mại với nước này, ở vòng đối thoại kinh tế đầu tiên giữa 2 nước vào hôm 18/4 tới đây. Ông Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý một bản kế hoạch 100 ngày cho những cuộc thảo luận về thương mại trong cuộc gặp tuần trước, một dấu hiệu cho thấy Washington muốn có kết quả thật nhanh.

Chính quyền Trump đã chọn cách tiếp cận ngắn hạn về thương mại, và không tỏ ra hứng thú trong việc tạo ra các luật lệ cho tự do thương mại đa phương, vốn là nguyên tắc cơ bản của TPP. Nhật Bản muốn tiếp tục thực hiện nguyên tắc này với các quốc gia khác, và việc Nhật tiếp tục đàm phán với Mỹ nghĩa là để ngỏ cánh cửa cho Mỹ tham gia TPP trong tương lai. Một quan chức Bộ Ngoại giao của Mỹ nói rằng: “Đối thoại kinh tế Mỹ - Nhật và kế hoạch của TPP-11 là 2 mặt của cùng 1 đồng xu”.


Chắc chắn là nỗ lực thúc đẩy TPP sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho Nhật Bản, như là nên làm gì với các hạn ngạch nhập khẩu gạo và sữa của nước này, vốn đã được thiết kế cho một TPP vẫn còn Mỹ. Tokyo cũng sẽ đối mặt với yêu cầu của Washinton về việc mở cửa thị trường nhiều hơn so với điều kiện của TPP trước đây.

Nhưng nỗ lực này sẽ không vô nghĩa. TPP-11 có thể thúc giúp tăng GDP thực của Nhật khoảng 1,11%, theo giáo sư Kenichi Kawasaki tại Viện Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách của Nhật. Mức này chỉ thấp hơn một chút so với mức tăng GDP 1,35% mà TPP vẫn còn Mỹ có thể mang lại. Việc bảo vệ TPP cũng là đẩy lùi một phần làn sóng chống toàn cầu hóa vốn đã lan rộng trên thế giới.

Hiện giờ, đảng cầm quyền tại Nhật đã gia hạn nhiệm kì cho người lãnh đạo của mình, nghĩa là ông Abe có thể giữ vị trí thủ tướng tới tháng 9/2021 - 8 tháng sau khi nhiệm kì hiện tại của ông Trump kết thúc. Việc biến TPP trở thành hiện thực, ngay cả không có Mỹ, chắc chắc sẽ là một di sản lớn đáng để theo đuổi.

Nguồn: Bá Ước/nhipcaudautu.vn