Một mục tiêu chủ chốt trong cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump là gây sức ép buộc Bắc Kinh mua hàng Mỹ, nhưng với mặt hàng thịt mà hàng năm Trung Quốc nhập khẩu hàng triệu USD từ Mỹ thì Bắc Kinh đơn giản có thể tìm nguồn cung từ những nơi khác.
Các mức thuế trả đũa của Bắc Kinh đối với thịt bò và thịt lợn nhập khẩu từ Mỹ đang khiến cho các mặt hàng này trở nên đắt “một cách quá đáng”. Trước tình hình đó, các công ty nhập khẩu Trung Quốc đang chuyển hướng sang các nguồn cung cấp khác, và xu hướng này được dự đoán sẽ diễn ra ở cả các ngành hàng khác.
Bà Zhang Lihui, Giám đốc công ty thịt toàn cầu PMI Foods chi nhánh Thượng Hải, cho biết thay vì nhập khẩu thịt bò từ Mỹ, công ty này sẽ mua nhiều hơn từ Australia, Nam Mỹ và có thể nhập một ít từ Canada. Bên cạnh đó, PMI Foods cũng đã ngừng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ sau khi các mức thuế của Bắc Kinh được ban hành hồi tháng trước đã đẩy giá mặt hàng này tăng cao.
Công ty thương mại quốc tế Shanghai Xinshangshi International Trade Co đã nhập khẩu 40 triệu USD thịt bò và thịt lợn từ Mỹ trong năm 2017 và đã có dự định sẽ nâng con số này lên 100 triệu USD trong năm nay. Nhưng vì cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Tổng giám đốc Xu Wei cũng đang chuyển hướng sang châu Âu, Australia và Nam Mỹ.
Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu thịt Mỹ, nước này xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 140 triệu USD thịt bò, thịt lợn và các sản phẩm phụ có liên quan trong tháng Sáu trước khi Bắc Kinh áp thuế trả đũa, chiếm khoảng 10% tổng lượng thịt bò và thịt lợn xuất khẩu của Mỹ.
Ông Julian Evans-Pritchard, một chuyên gia kinh tế của công ty Capital Economics, cho biết Trung Quốc rõ ràng đang nhắm vào các mặt hàng nhập khẩu như thịt, đậu tương, lúa mỳ và các sản phẩm hóa dầu, những mặt hàng có thể được thay thế dễ dàng trên thị trường toàn cầu.
Theo các chuyên gia thương mại, nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc, như máy bay của Boeing và ô tô do Mỹ sản xuất, đang bị đe dọa khi Trung Quốc có thể mua máy bay của Airbus và nhập khẩu ô tô từ châu Âu và Nhật Bản.
Thậm chí mặt hàng đậu tương, một yếu tố đòn bẩy chủ chốt của Mỹ do kim ngạch nhập khẩu khổng lồ của Trung Quốc, cũng không phải là không thể thay thế được. Người đứng đầu công ty thương mại ngũ cốc quốc doanh Cofco của Trung Quốc cho biết đang xem xét tăng cường nhập khẩu đậu tương từ Brazil (Bra-xin), và các loại ngũ cốc khác từ các nước khác như Ukraine và Nga.
Nguồn: Khánh Ly (Theo AFP)/Bnews,TTXVN