Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN vào ngày 28/7/1995. Sau hơn 22 năm tham gia ASEAN, từ những bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, trong đó có hợp tác kinh tế, theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đồng thời có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự vươn lên ngày càng lớn mạnh của hợp tác kinh tế ASEAN thời gian qua.

Vì một nền kinh tế ASEAN hội nhập, gắn kết, tăng trưởng cao và phát triển bền vững.

Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ASEAN là động lực quan trọng giúp Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững thời gian qua với vị trí đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-ASEAN tăng gấp 7 lần sau hơn 20 năm trở thành viên của khối này, từ khoảng 5,8 tỷ USD năm 1996 lên 41,49 tỷ USD năm 2016, chiếm tỷ trọng 11,8% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước ASEAN năm 2016 đạt gần 17,45 tỷ USD, tăng 6,8 lần với tốc độ tăng bình quân 10% năm. Nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam năm 2016 đạt 24,04 tỷ USD, tăng 7,2 lần so với năm 1996. Bên cạnh đó, với các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong khuôn khổ ASEAN, giá nhân công cạnh tranh và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam cũng là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp ASEAN. Đầu tư từ các nước ASEAN vào Việt Nam năm 2016 chiếm 45% tổng vốn FDI vào Việt Nam, tăng khoảng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.

Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình phương hướng phát triển và hình thành các quyết sách lớn về hợp tác kinh tế ASEAN và các sáng kiến cụ thể trong về hợp tác kinh tế ASEAN như: Tầm nhìn ASEAN 2020 và kế hoạch triển khai AEC, Lộ trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (2009-2015), Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Kế hoạch tổng thể AEC, kế hoạch hành động chiến lược trong các lĩnh vực chuyên ngành nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC 2025, các Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN và các Kế hoạch công tác Sáng kiến Hội nhập ASEAN.

Là một nước có dân số lớn thứ 3 và diện tích lớn thứ 4 trong ASEAN, có vị trí địa kinh tế quan trọng, là một hình mẫu của phát triển kinh tế ổn định và bền vững trong khu vực, Việt Nam luôn phát huy vai trò là một trong những thành viên tích cực trong ASEAN về thúc đẩy hợp tác kinh tế nội khối, ngoại khối và thu được những kết quả tích cực. Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ thực hiện cao nhất trong quá trình thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2015 (Theo Biểu đánh giá xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC Scorecard) 2015, tỷ lệ thực thi các biện pháp ưu tiên của Việt Nam là 95,5%, đứng thứ 2 sau Xinh-ga-po). Là nước điều phối hợp tác kinh tế ASEAN-EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại hai bên, thúc đẩy khả năng tái khởi động đàm phán FTA ASEAN-EU. Việt Nam cũng được các quốc gia ghi nhận trong vai trò chủ tọa một số Nhóm Công tác trong khuôn khổ ASEAN và hợp tác giữa ASEAN với các đối tác ngoại khối.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, vai trò của Việt Nam còn được ghi nhận và đánh giá cao trong dẫn dắt các nước thành viên mới ASEAN (CLMV) trong công tác thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo các quốc gia này được hưởng đầy đủ các ưu đãi, hỗ trợ từ các nước ASEAN-6 và đối tác trong quá trình tham gia liên kết kinh tế ASEAN thời gian qua. Việt Nam đã chủ động đề xuất và thúc đẩy các nước ASEAN thông qua Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển (năm 2001) để đề ra các phương hướng triển khai Sáng kiến hội nhập ASEAN. Với vị trí Chủ tịch Nhóm đặc trách về Kết nối ASEAN, năm 2010, Việt Nam đã cùng các nước thành viên khác hoàn tất xây dựng Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2010, định hình sự liên kết chặt chẽ về hạ tầng giao thông, thể chế và con người, là nền tảng cho sự kết nối trong khu vực Đông Á và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Sau gần 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN, với cột mốc quan trọng là sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, ASEAN đã và đang tiếp tục phải vượt qua quãng đường rất dài để xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển toàn diện và vững mạnh. Quãng đường phát triển đó đã được thử thách bởi những khó khăn trong quá khứ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, và hiện tại là trào lưu chống toàn cầu hóa, đa phương hóa hợp tác kinh tế hay xu hướng bảo hộ hiện nay. Hơn lúc nào hết, khu vực Châu Á mà cụ thể là ASEAN cần phát huy vị trí đầu tàu trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, liên kết kinh tế khu vực; là hình mẫu cho các khuôn khổ hợp tác kinh tế khu vực và toàn cầu.

Để làm được điều đó, các nước thành viên ASEAN cần tiếp tục duy trì sự đoàn kết và kiên định đi theo con đường hội nhập kinh tế đã lựa chọn trong nửa thế kỷ qua, khẳng định vai trò ngày càng lớn mạnh của ASEAN trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn