Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un diễn ra tại Singapore ngày 12/6/2018, được đánh giá là dấu mốc lịch sử trong quan hệ hai nước.

Ngày 1/1/2019, trong thông điệp Năm mới 2019, Chủ tịch Kim Jong-un cho biết sẵn sang gặp Tổng thống Donald Trump, đồng thời kêu gọi Mỹ có những biện pháp phù hợp đối với đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ngày 8/2/2019, Tổng thống Donald Trump thông báo hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 với Chủ tịch Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Hà Nội (Việt Nam) trong hai ngày 27 và 28/2/2019.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đã kết thúc sau hai ngày làm việc, 27-28/2/2019 tại Hà Nội. Trái với sự kỳ vọng và chờ đợi của nhiều người, Hội nghị đã không đạt được thỏa thuận hai bên, không ra được tuyên bố chung, và các nhóm làm việc phải trông đợi vào một cuộc gặp trong tương lai.

Sau khi kết thúc Hội nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc họp báo và thông báo những nội dung chính của hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, trong đó gồm nhiều vấn đề từ phi hạt nhân hóa, các lệnh trừng phạt, khả năng phát triển kinh tế của Triều Tiên,....

Tổng thống Trump cho biết ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chia sẻ nhiều vấn đề và đã "có một thời gian hữu ích", "khi rời hội nghị, bầu không khí rất tốt, rất thân thiện". Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng "hiện chưa phải là thời điểm thích hợp để ký thỏa thuận giữa hai bên".
Theo ông Trump, khúc mắc chính trong đàm phán khiến hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị lần này là việc nhà lãnh đạo Triều Tiên đề nghị dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt, nhưng chưa có đủ các bước phi hạt nhân hóa tương xứng.
Tổng thống Mỹ cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định sẵn sàng phi hạt nhân hóa, nhưng hai bên vẫn còn bất đồng lớn về các điều kiện để thực hiện mục tiêu này.
Ông Kim Jong-un sẵn sàng tháo dỡ tổ hợp hạt nhân Yongbyon nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ, song Mỹ "muốn nhiều hơn" thế.
Tuy kết thúc Hội nghị hai bên cũng chưa ra được thỏa thuận nào, nhưng trên chuyên cơ bay trở về Mỹ sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên thứ hai tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa gửi lời cảm ơn Việt Nam đã tổ chức tốt đẹp cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai này.
Dưới đây là một số nhận định của các chuyên gia trên thế giới về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2:
Nhận định của chuyên gia Mỹ
Theo giáo sư Leon Sigal, Giám đốc chương trình An ninh Hợp tác Bắc Á tại Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Xã hội Mỹ cho rằng vấn đề cần thương thảo trong hội nghị lần này là Mỹ sẽ giảm bớt các lệnh trừng phạt ở mức độ nào để đổi lấy những bước tiến tới phi hạt nhân hóa từ phía Triều Tiên. Tuy hai bên không thể nhất trí một thỏa thuận nhưng cũng không có nghĩa là quá trình đàm phán đã kết thúc. Và theo ông việc hai bên hoàn toàn vẫn có thể đàm phán được mới là điều quan trọng.
Đề cập tới những vấn đề khác được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong cuộc họp báo sau hội nghị, ông Sigal cho rằng hai bên đã có được nền tảng nhất định để có thể đạt được thỏa thuận nhưng những khác biệt trong cách nhìn nhận về các biện pháp trừng phạt đã khiến hội nghị kết thúc mà không có thỏa thuận.
Nhận định của báo Australia
ABC nhận định nguyên nhân khiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai không đạt được thỏa thuận nào một phần do Tổng thống Trump đã thể hiện vai trò là người dẫn dắt cuộc họp.
Trang thông tin của ABC nhận định nguyên nhân khiến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai không đạt được thỏa thuận nào một phần do Tổng thống Trump đã thể hiện vai trò là người dẫn dắt cuộc họp, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lại muốn cuộc họp diễn ra theo hướng cân bằng.
Nhận định của chuyên gia Nga
Giáo sư Georgi Toloraya, Giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga (Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga) bày tỏ sự bất ngờ khi hội nghị kết thúc mà không ra được tuyên bố chung. Ông nhấn mạnh hiện chưa thể rõ khúc mắc ở bên nào khi mà chỉ mới nghe Tổng thống Mỹ thông báo rằng Bình Nhưỡng không chấp nhận tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hạt nhân và đây là nguyên nhân khiến hai bên không ký được tuyên bố chung. Giáo sư Toloraya cho rằng cần phải nghe những tuyên bố của phía Triều Tiên.
Theo ông, việc dỡ bỏ trừng phạt không phải yêu cầu tiên quyết của Triều Tiên, mà Bình Nhưỡng muốn Mỹ thay đổi thái độ thù địch đối với đất nước mình. Do đó với Bình Nhưỡng, khi lệnh trừng phạt còn được duy trì thì có nghĩa là thái độ thù địch vẫn chưa được xóa bỏ.
Giáo sư Toloraya cho rằng rất đáng tiếc cơ hội đã bị bỏ lỡ lần này nhưng vẫn còn hy vọng về khả năng một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba.
Hàn Quốc đánh giá hội nghị đạt tiến bộ có ý nghĩa
Trong một tuyên bố sau khi cuộc gặp thượng đỉnh kết thúc, Nhà Xanh, tức Phủ tổng thống Hàn Quốc, cho biết Hàn Quốc lấy làm tiếc vì hai bên không đạt thỏa thuận, song đánh giá rằng hai bên đã đạt "tiến bộ có ý nghĩa hơn bao giờ hết".
Tuyên bố cũng nêu rõ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng tiếp tục đối thoại sẽ đem lại triển vọng tươi sáng cho một cuộc gặp khác giữa hai nhà lãnh đạo.
Trước đó, ông Trump cho biết ông đã không đạt được thỏa thuận hạt nhân tại hội nghị lần thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên vì ông Kim Jong-un đưa ra những đề nghị mà Mỹ khó chấp nhận liên quan việc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt.
Đức đánh giá về kết quả hội nghị
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã bày tỏ tiếc nuối khi không có thỏa thuận nào đạt được tại Hội nghị thưởng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ZDF của Đức khi đang có chuyến thăm quân đội Đức đồn trú tại Mali, Ngoại trưởng Heiko Maas cho rằng nếu tại hội nghị thượng đỉnh này, các bên cùng nhất trí đạt được một thỏa thuận để Triều Tiên chấm dứt các chương trình hạt nhân và loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, thế giới sẽ trở nên an toàn hơn rất nhiều.
Ngoại trưởng Đức cũng bày tỏ hy vọng Mỹ và Triều Tiên tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc hy vọng đối thoại Mỹ - Triều có thể tiếp tục
Phát biểu tại họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng đánh giá hai bên đã chứng tỏ sự chân thành tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, diễn ra sáng 28/2/2019 tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội để thảo luận về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ hy vọng đối thoại và liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên có thể tiếp tục.
Nguồn: VITIC Tổng hợp 

Nguồn: vinanet