Việt Nam trong top 5 “nền kinh tế mạnh” trong tương lai
“Một thế kỷ trước, thậm chí Trung Quốc còn chưa tồn tại trên bản đồ kinh tế thế giới. Ngày nay, họ đã có máy tính tốc độ cao nhất thế giới, thậm chí đánh bại Hoa Kỳ trong các phòng thí nghiệm quốc gia”. Đó là nhận xét của Michelle Drew Rodriguez, đồng tác giả của Chỉ số cạnh tranh kinh tế toàn cầu 2016 của Deloitte (Deloitte’s 2016 Global Manufacturing Competitiveness Index).
Sự chuyển đổi của Trung Quốc tạo ra một không gian mở cho các quốc gia khác tiến tới khu vực sản xuất chi phí thấp, nơi Trung Quốc vẫn đang đóng vai trò chủ đạo. Deloitte dự đoán các nền kinh tế, bao gồm Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam - được ví như “năm nền kinh tế mạnh”, sẽ kế thừa "vương miện" của Trung Quốc trong sản xuất theo mô hình này. Trong đó, các chuyên gia công nghiệp và vùng được phỏng vấn đều nhất trí Ấn Độ sẽ là điểm đến tiếp theo của sản xuất chi phí thấp.
Sản xuất là trọng tâm để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Theo báo cáo về tương lai sản xuất của McKinsey, sản xuất “đóng góp một cách không cân đối cho xuất khẩu, sáng tạo và tăng năng suất lao động”.
Tất cả các quốc gia thuộc khối nền kinh tế mạnh có các lợi thế của riêng mình. Nhưng với thị trường trong nước rộng lớn và chi phí thấp khiến cho Ấn Độ thành đỉnh cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các nền kinh tế mạnh khác không có cơ hội để trở thành “Trung Quốc mới” của sản xuất chi phí thấp. Đây là thực tế bất chấp đe dọa của bùng nố rô bốt và chủ nghĩa báo hộ. Tôi không thấy bất kỳ chuyển dịch nào hiện nay khiến tôi mất đi ấn tượng về tính cạnh tranh của các nền kinh tế mạnh.
Drew Rodriguez
Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đức hiện nay đứng đầu trong số 15 quốc gia có nền sản xuất cạnh tranh nhất thế giới.
Tuy nhiên, trong 5 năm tới, theo một khảo sát của Deloitte đối với các CEO trong lĩnh vực công nghiệp, các nước thuộc khối “5 nền kinh tế mạnh” bao gồm: Malaysia, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam sẽ có tên trong nhóm những quốc gia có nền sản xuất cạnh tranh nhất thế giới.
Đó là các “Trung Quốc mới”, những nền kinh tế hàng đầu của sản xuất chi phí thấp (với các loại sản phẩm hàng hóa có hàm lượng lao động cao như quần áo, đồ chơi trẻ em, dệt may và đồ điện tử tiêu dùng cơ bản).
Trung Quốc đang phải trả cao hơn
Hiện nay, sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc chỉ rẻ hơn 4% so với Hoa Kỳ, chủ yếu do mức lương bình quân trong lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đã tăng 80% so với năm 2010. Để đối phó với tình trạng này, với sự hỗ trợ hàng tỷ USD đầu tư từ chính phủ, nền kinh tế Trung Quốc rõ ràng đã và đang chuyển sang nền sản xuất với giá trị cao hơn.
Tiến sĩ Jing Bing Zhang- Giám đốc nghiên cứu của IDC Worldwide Robotics, nhất trí với Michelle Drew Rodriguez về sự tinh thông của Trung Quốc trong sản xuất kỹ thuật tiên tiến với bình luận: “Trung Quốc rất cạnh tranh trong lĩnh vực này. Họ có khả năng sản xuất các sản phẩm rất phức tạp. Họ cũng có năng lực để duy trì và nâng cao chất lượng hàng hóa. Điện thoại thông minh, sản phẩm bán dẫn, robot và các thiết bị hiện đại khác. Họ thậm chí đã bước sang lĩnh vực hàng không”.
Khi sản xuất tại Trung Quốc chuyển sang các sản phẩm có giá trị cao và lương của người lao động do đó cũng tăng lên thì nền sản xuất chi phí thấp cũng ra đi. Tiến sĩ Jing Bing Zhang nói: “Điều này đã và đang xảy ra trong một số năm - không có gì mới. Cụ thể, sản xuất giầy dép và quần áo đã được chuyển sang Việt Nam, Indonesia và thậm chí Bangladesh. Trung quốc thực sự đang tập trung vào cải thiện nền công nghiệp hướng tới một trung gian công nghệ cao”.
Ai mạnh nhất trong “năm nền kinh tế mạnh”?
Các chuyên gia công nghiệp chỉ ra một số yếu tố quan trọng để cạnh tranh sản xuất chi phí thấp, đó là dân số trẻ, nhân công rẻ, môi trường chính sách mang tính hỗ trợ, cơ sở hạ tầng chất lượng tốt, có khả năng cung ứng các kỹ sư kỹ thuật, toàn bộ người lao động được giáo dục ở mức độ tối thiểu, kinh tế phát triển và thị trường trong nước đủ lớn.
Tất cả các nền kinh tế đều có các lợi thế và điểm yếu của riêng mình. Nhưng với phương Tây, người láng giềng khổng lồ Ấn Độ nổi trội giữa đám đông. Ấn Độ có tiềm năng để trở thành công xưởng tiếp theo của sản xuất chi phí thấp. Tiến sĩ Jing Bing Zhang dự đoán Ấn Độ sẽ là trung tâm lắp ráp điện tử mới, với chứng cứ rằng vào tháng 9/2016, Tập đoàn sản xuất đồ điện dân dụng khủng Huawei sẽ tổ chức sản xuất 3 triệu điện thoại thông minh tại Ấn Độ. Trong khi đó, Foxconn, và nhà cung cấp Apple đang xây dựng nhà máy Iphone với tổng ốn đầu tư 10 tỷ USD tại đây.
Đặc biệt, thế mạnh của Ấn Độ là sự tổng hợp của cả lao động lỹ thuật cao, lao động tay nghề thấp và tiềm năng tiêu thụ của một thị trường rộng lớn với 1,2 tỷ dân. Mặc dù phần lớn là những người nghèo, nhưng thu nhập của họ đang tăng lên.
“Ấn Độ có một đội ngũ hùng hậu các sinh viên tốt nghiệp đại học. Điều này rất quan trọng. Bạn vẫn cần các kỹ sư kỹ thuật; bạn cũng cần các kỹ sư thiết kế và các nhà quản lý. Ấn độ có một đội ngũ hùng hậu các sinh viên được đào tạo tốt. Họ có thể so sánh với bất kỳ một quốc gia nào trong khối “nền kinh tế mạnh”- Tiến sĩ Jing Bing Zhang bình luận.
Môi trường chính sách của Ấn Độ ngày càng mang tính chất hỗ trợ nhiều hơn cho sản xuất. Năm 2014 Chính phủ nước này đã phát động trong trào “Made in India” để nâng cao trình độ sản xuất của quốc gia. Và đã gặt hái một số thành công vào năm 2015, Ấn Độ đã thay thế Trung Quốc với tư cách quốc gia nhận được đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới. Và các nhà đầu tư tại Ấn Độ đã thông báo cảm nhận được sự cải thiện hiệu quả hành chính công tại cấp liên bang.
Mặc dù có các yếu tố tích cực này, nhưng Ấn Độ cũng đang gặp nhiều thách thức. Để có được một cơ sở sản xuất chi phí thấp bùng nổ, người lao động ít nhất phải có khả năng đọc và viết để vận hành máy móc thiết bị. Trong khi đó, theo chỉ số nguồn nhân lực của Liên hợp quốc (UN’s Human Capital Index 2016), trình độ kỹ năng chung của Án Độ rất thấp, đứng thứ 105 trên thế giới, thấp hơn tất cả quốc gia trong khối “kinh tế mạnh”.
Cơ sở hạ tầng của Ấn Độ đang khá tồi tệ, nhất là vận tải và cung cấp năng lượng đứng hàng cuối trong số các nền kinh tế mới nổi. Sự kém hiệu quả của chính phủ cũng là một lực cản quan trọng; sự chậm chạp trong giải phóng mặt bằng và làm sạch môi trường đã làm sa lầy 270 dự án của đất nước.
Một kỹ sư cao cấp của BSH Hausgeräte GmbH - nhà sản xuất đồ điện gia dụng lớn nhất Châu Âu và cũng là nhà đầu tư lớn tại Châu Á, người đã từng làm việc nhiều năm trong sản xuất chi phí thấp tại Trung Quốc cũng nhất trí rằng: “Ấn Độ là tương lai. Cơ sở hạ tầng yếu kém nhưng họ có dân cư đông đúc”.
Tuy nhiên, kỹ sư này cũng đã chỉ ra các công ty Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam do môi trường chính trị cực kỳ ổn định. Thực ra, Malaysia, Indonesia, Thailand và Việt Nam đều có lợi thế của chính họ và một số là tương đồng với Ấn Độ.
“Các rủi ro trọng yếu của nam bán cầu không có ở đây”- Tiến sỹ Carlo Bonura, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Oxford Analytica đã nhận định như vậy, khi đề cập đến các quốc gia Đông Nam Á trong khối “nền kinh tế mạnh”. Có rất ít các rủi ro về tịch thu tài sản và rủi ro nhân công.
Theo Carlo Bonura: “Đây là một khu vực mà tất cả các chính thể - dù là dân chủ hay độc quyền, đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tách riêng giữa bất ổn chính trị và ổn định kinh tế”. Điều này khác hẳn với Ấn Độ, trước đó Thủ tướng đương quyền Narendra Modi được giới đầu tư quốc tế nhận định là không chào đón các doanh nghiệp nước ngoài.
Cả hai tiến sỹ Drew Rodriguez và Jing Bing Zhang cùng nhìn nhận Thailand và Malaysia đang tập trung nhiều hơn vào sản xuất công nghệ cao và trung bình, thay vì trở thành trung tâm tiếp theo của sản xuất chi phí thấp. Thailand rất mạnh trong lĩnh vực ô tô, thực phẩm, điện tử và hóa chất. Trong khi Malaysia lại nhiều lợi thế trong lĩnh vực hóa chất, chế tạo máy và chế biến cao su. Điều này được khẳng định khi Thailand và Malaysia được đánh giá là giàu nhất trong khối “các nền kinh tế mạnh”.
Như vậy còn lại là Việt Nam và Indonesia. Cũng vẫn kỹ sư cao cấp của BSH Hausgeräte GmbH chia sẻ: “Tôi nghe thấy rất nhiều công ty đang chuyển tới Việt Nam. Lương tại đây chỉ bằng nửa Trung Quốc. Một môi trường chính trị cực kỳ ổn định là một lợi thế lớn. Việt Nam có cơ sở hạ tầng tốt hơn Indonesia và một lợi thế khác là rất gần Trung Quốc”.
Sự bùng nổ của rô bốt
Khi bàn về việc các quốc gia thuộc “nền kinh tế mạnh” thay Trung Quốc như một công xưởng của thế giới, có một nỗi ám ảnh dai dẳng đang theo đuổi các nhà hoạch định chính sách ở cả Ấn Độ và các nước khác. Đó là việc rô bốt đang ngày càng trở nên tinh vi và được dự đoán sẽ thay thế con người trong một tương lai gần.
Cuốn sách bán chạy nhất năm 2016 của Martin Ford với tựa đề: “Sự lớn mạnh của rô bốt: Công nghệ và hiểm họa thất nghiệp tràn lan” (The Rise of the Robots: Technology and the Threat of Mass Unemployment) mô tả bức tranh ảm đạm của toàn bộ lĩnh vực chuyên môn không chỉ lĩnh vực sản xuất chi phí thấp đang được tự động hóa.
Cũng có các vật cản khác đang chờ đợi các nền kinh tế mạnh, ví dụ như đe dọa của chủ nghĩa bảo hộ đã hiện thực hơn sau khi Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump kêu gọi tăng thuế đối với Trung Quốc và đe dọa các công ty đang mang việc làm ra khỏi Hoa Kỳ.
Nhưng điều này có vẻ như không làm khó cho tương lai của các nền kinh tế mạnh. Như Drew Rodriguez nhận định: “Thế giới trở nên liên kết hơn sau mỗi tháng, mỗi năm”.
Nguyễn Thịnh (Nguyên Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế - Tổng cục Thuế)

Nguồn: Thoibaotaichinhvietnam.vn