Sửa, bổ sung 100% quy trình kê khai, nộp thuế

Tại báo cáo này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tổ chức thực hiện ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS) đối với 36/63 địa phương còn lại (trước đây đã thực hiện được 27 địa phương), đảm bảo hoàn thành trước 30/9/2015.

Cùng với đó, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thuế, nộp thuế điện tử, phấn đấu đến 30/9/2015 triển khai nộp thuế điện tử đạt 90% số doanh nghiệp đang quản lý thuế. Đồng thời, thực hiện rà soát giảm tối thiểu 10%, đơn giản hóa tối thiểu 20% số thủ tục hành chính thuế; sửa đổi, bổ sung 100% quy trình liên quan đến kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.

Tiếp tục phổ biến, tập huấn trong toàn hệ thống thuế để triển khai thực hiện Thông tư hướng dẫn Nghị định 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015 hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, tập trung nội dung về thuế TNCN và thuế TNDN.

Ngoài ra, sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công đầu mối thực hiện cụ thể, rõ ràng, đảm bảo theo yêu cầu và thời gian của Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình hành động về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường quản lý thuế và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương nội ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Hơn 380 nghìn DN đã triển khai nộp thuế điện tử

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua Bộ Tài chính đã tổ chức triển khai thống nhất, kịp thời trong toàn hệ thống thuế Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn một Luật sửa nhiều Luật nội dung về thuế TNCN, trong đó có nhiều chính sách, cơ chế nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hộ cá nhân kinh doanh cũng như thực hiện một bước về cải cách TTHC đối với thể nhân.

Bộ cũng đã tiếp tục hiện đại hoá công tác quản lý thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế. Tính đến 23/7/2015, đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 98% số doanh nghiệp đang thuộc diện quản lý thuế. Đồng thời tiếp tục triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương, với số doanh nghiệp tham gia tính đến 23/7/2015 đạt 383.028 DN, đạt 74,8% số doanh nghiệp đang hoạt động, với số tiền đã nộp vào NSNN là 32.220 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ đã triển khai quy chế phối hợp giữa Tổng cục Thuế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong đó có nội dung về trao đổi thông tin về tổ chức và cá nhân trả thu nhập từ tiền lương tham gia đóng các khoản BHXH bắt buộc và nộp thuế để phối hợp quản lý thu các khoản BHXH bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý thu thuế phục vụ mục tiêu giảm số giờ nộp thuế và nộp các khoản bảo hiểm.

Đồng thời trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 14/7/2015 về việc tiếp tục tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện đảm bảo theo đúng yêu cầu và thời gian theo Chỉ thị đã đề ra.

Đi đôi với đó là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hải quan, trong đó đảm bảo Hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS) vận hành ổn định, bền vững, mở rộng thực hiện thanh toán điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối cơ chế một cửa ASEAN.

Tổ chức thực hiện kiểm soát, xây dựng phương án chống buôn lậu trong việc xây dựng tiêu chí quản lý rủi ro của hệ thống VNACCS/VCIS thông qua việc nghiên cứu, phân tích và đề xuất áp dụng 6.062 tiêu chí đối với một số đối tượng trọng điểm, văn bản quản lý chuyên ngành và công văn đề nghị của Cục Điều tra chống buôn lậu; thiết lập tiêu chí máy soi đối với 45 DN và 10 nhóm mặt hàng; đề xuất tạm dừng áp dụng tiêu chí kiểm tra qua máy soi đối với 11 doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu phế liệu.

Tiếp tục phối họp chặt chẽ với các Bộ, ngành triển khai mở rộng Cơ chế Hải quan một cửa quốc gia đảm bảo đúng tiến độ. Cụ thể, mở rộng cho một số thủ tục hành chính liên quan đến hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu trong lĩnh vực quản lý của các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế. Đồng thời họp bàn với Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ về xây dựng kế hoạch thực hiện và thống nhất quy trình, nghiệp vụ, kỹ thuật giữa các bên và cơ sở pháp lý để triển khai kết nối chính thức vào tháng 9/2015.

Ngoài ra, đã triển khai tập huấn và tổ chức đo thời gian giải phóng hàng năm 2015 thông qua việc thu thập dữ liệu đo thời gian giải phóng tại 11 Chi cục/7 Cục Hải quan tỉnh, thành phố (đơn vị đã từng thực hiện đo năm 2013)…

Theo N.P
Thời báo tài chính Việt Nam

Nguồn: Thời báo tài chính Việt Nam