Sáng nay (25/8), Hội đồng Tiền lương Quốc gia tiếp tục phiên đàm phán về mức tăng lương tối thiểu vùng 2016.

Trước khi bước vào phiên họp này, trả lời báo chí, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết: “Đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tính toán kỹ lưỡng từ lý luận đến tuân thủ pháp luật. Có 4 yếu tố mà TLĐ đưa ra là: chúng ta phải thực hiện theo đúng Điều 91 của Bộ luật Lao động, điều này phải được áp dụng ngay từ khi Luật có hiệu lực, từ ngày 1/1/2013. Tuy nhiên chúng ta áp dụng ngay DN sẽ khó khăn nên TLĐ đồng ý cần theo lộ trình nhưng lộ trình đó không phải là lâu dài mà phải có thời điểm nhất định”.

Cũng theo ông Mai Đức Chính, trước đây Bộ Lao động đã thống nhất với TLĐ, lộ trình đó sẽ kết thúc vào năm 2017. Hiện nay mức lương tối thiểu đạt khoảng 74% nhu cầu sống tối thiểu. “Như vậy, 2 năm còn lại chúng ta phải đảm bảo từ 25- 26%, mỗi năm phải tăng từ 12-13%, cộng thêm CPI khoảng 5%, như vậy tăng năm nay khoảng 17%”.

Cũng theo ông Chính, khi đưa ra đề xuất này, Tổng LĐLĐ đã tính toán khả năng chi trả của DN, hiện DN đã trả NLĐ mức lương từ 4,4 triệu ở Hà Nội và ở TP HCM khoảng 4,9 triệu, cũng có rất nhiều DN trả 5 triệu hoặc hơn. Như vậy khả năng DN chấp nhận trả được rồi.

Bản chất ở đây khi lương tối thiểu tăng, DN chỉ lấy mức này đóng BHXH cho NLĐ, khi chúng ta tăng lương tối thiểu tức là tăng 22% tiền đóng BHXH, BHYT cho NLĐ, tiền tăng đó không nhiều và còn thấp hơn. Nếu chúng ta không thực hiện thì đến ngày 1/12018 theo điều 89 Luật BHXH, tiền lương cũng phải bằng tiền thu nhập: tiền lương, phụ cấp và các khoản khác.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta phải điều chỉnh từng bước để tiếp cận đến 1/1/2018 khi chúng ta thực hiện tiền lương gần như thu nhập thì DN đỡ “sốc”. Giờ chúng ta cứ điều chỉnh “nhỏ giọt” thì đến năm 2018 khoảng cách sẽ rất lớn, tạo sức ép cho DN” – ông Chính nói.

Nói về quan điểm của Tổng LĐLĐ tại cuộc họp hôm nay, ông Chính cho biết, vẫn bảo lưu giữ mức từ 350.000- 550.000 đồng, tất nhiên còn thương lượng. Nếu phương án cuối cùng, tình hình kinh tế khá hơn, không được thấp hơn tỉ lệ phần trăm của năm 2015, tức là 14,65%, ở mức trên 450.000 đồng. Mức tuyệt đối bằng 400.000 đồng.

“Quan điểm của TLĐ vẫn giữ nguyên bởi NLĐ đã quá khổ. Cuộc sống NLĐ hết sức khó khăn, khảo sát của TLĐ cho thấy khoảng 92% NLĐ, với mức lương DN trả, từ 4,5- 5 triệu, họ sống rất tằn tiện, chỉ 8% có dư.” – ông Chính nhấn mạnh.

Liên quan đến đề xuất của Tổng LĐLĐ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Với tốc độ tăng năng suất lao động hiện nay khoảng 3%, tốc độ trượt giá của đồng tiền khoảng 1-3%, một mức tăng lương tối thiểu vùng khoảng 9-10% là hài hoà. Nếu lương tối thiểu năm 2016 tăng quá mức này, sẽ không có lợi cho việc tạo thêm việc làm mới cho người lao động và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Trên thực tế, tốc độ tăng lương tối thiểu tại Việt Nam trong thời gian qua là rất cao. Các số liệu cho thấy, tiền lương tối thiểu đã tăng từ mức 350.000 đồng/tháng vào năm 2005 lên mức 2.150.000 đồng/tháng vào năm 2015 (đối với vùng IV). Tổng mức tăng chung trong cả giai đoạn là 6,14 lần, tương đương mức tăng trung bình khoảng 20%/năm.

Trong khi đó, mức tăng năng suất lao động kể từ năm 2005 đến nay trung bình chỉ khoảng 3%/năm. Nếu cộng thêm mức độ trượt giá của tiền đồng trong giai đoạn 2005-2015 ở mức gần 10%/năm, khoảng cách giữa tốc độ tăng lương và tốc độ tăng năng suất lao động vẫn là một con số rất lớn. Chắc chắn là các doanh nghiệp Việt Nam không thể chịu đựng được một mức tăng lương cao và kéo dài như vậy. Các số liệu về việc làm tại Việt Nam gần đây cho thấy, các tác động tiêu cực của việc tăng lương cao và kéo dài ngày càng lớn.

Mặc dù vậy, Chủ tịch VCCI cũng thừa nhận, mức sống của người công nhân hiện nay còn thấp. Cuộc sống của người công nhân hiện nay còn nhiều khó khăn và các doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm nhất định trong việc đưa mức tiền lương tối thiểu tiếp cận mức sống tối thiểu.

Theo Vũ Hạnh
VOV

Nguồn: VOV