Quan trọng nhất phải kể đến là sự thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong việc sử dụng và ủng hộ hàng Việt Nam, góp phần tạo chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm nội địa trên thị trường.
Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, từ tháng 7/2009 đến nay, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tổ chức 164 phiên chợ Đưa hàng Việt về nông thôn, với hơn 203.000 lượt khách tham gia, đạt doanh thu 17 tỷ đồng.
Sở cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan chỉ đạo doanh nghiệp tổ chức 66 hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh với hơn 4.000 lượt doanh nghiệp tham dự, thu hút gần 2,5 triệu lượt khách tham quan, mua sắm, đạt doanh thu trên 250 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cũng đã tổ chức thành công Hội chợ, Triển lãm công thương duyên hải miền Trung - Quảng Ngãi với 325 gian hàng, 101 lượt doanh nghiệp tham gia; thu hút 42.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, đạt doanh thu trên 10 tỷ đồng…
Việc đưa hàng Việt về với vùng hải đảo cũng được tỉnh chú trọng. Theo ông Trịnh Lam, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi), Trung tâm đã tổ chức tại huyện đảo Lý Sơn 6 phiên chợ hàng Việt.
Trung bình mỗi phiên chợ thu hút khoảng 3.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm; doanh thu khoảng 200 triệu đồng/phiên, nhất là thời điểm Lý Sơn mới bắt đầu có điện, hàng hóa bán rất chạy.
Bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thông tin, để phiên chợ hàng Việt tiếp tục có sức hút, UBND huyện khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm hàng Việt.
Nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái thì báo ngay với chính quyền địa phương để có hướng xử lý kịp thời với các doanh nghiệp cố tình làm sai.
Theo đại diện Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, nhằm đẩy mạnh kênh phân phối hàng Việt trên địa bàn tỉnh, Sở đã chủ trì, xây dựng 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 5 huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Bình Sơn và Sơn Tịnh.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương đã tích cực hưởng ứng trong việc mua sắm tài sản công với 100% mặt hàng do Việt Nam sản xuất từ nguồn ngân sách nhà nước, với số tiền lên tới gần 10 tỷ đồng.
Đồng thời, Sở tăng cường các giải pháp quản lý nhà nước về thị trường; vận động cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện trong mua sắm, tiêu dùng, phải ưu tiên sử dụng hàng Việt để góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong nước ngày càng phát triển.
Trách nhiệm, vai trò của nhà sản xuất và doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố then chốt quyết định đến sự thành bại của Cuộc vận động. Thực tế đó đòi hỏi các nhà sản xuất phải tích cực áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, kiểu dáng, hạ giá thành sản phẩm; thiết lập các kênh phân phối, đặc biệt là tìm cách đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Các doanh nghiệp cũng có cơ chế hỗ trợ tối ưu.
Là doanh nghiệp tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển hàng Việt, Co.opmart Quảng Ngãi ưu tiên liên kết với các hợp tác xã tại địa phương tiêu thụ mặt hàng rau quả của Công ty rau sạch QNASAFE, rau thủy canh Mầm Việt, hành tỏi Lý Sơn, dưa hấu Bình Sơn…
Ông Lê Hồng Ca, Giám đốc Co.opmart Quảng Ngãi cho hay, trên cơ sở nắm bắt và hiểu biết thị hiếu của người tiêu dùng, đơn vị đã chia sẻ thông tin thị trường, hướng dẫn các nhà cung cấp, hợp tác xã, hộ nông dân trong việc sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm nhằm tăng giá trị sản phẩm và tạo sự tiện lợi cho khách hàng.
Nhờ đó, hiện tại, hơn 90% hàng Việt bày bán tại Co.opmart Quảng Ngãi được người tiêu dùng tin yêu, ủng hộ.
Nhằm tăng độ phủ của hàng Việt tại thị trường Quảng Ngãi, Co.opmart Quảng Ngãi đã đẩy mạnh chương trình đưa hàng Việt về nông thôn; đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa.
Riêng trong năm 2018, Co.opmart Quảng Ngãi đã thực hiện 12 chuyến bán hàng lưu động trên phạm vi toàn tỉnh với trị giá hơn 500 triệu đồng.
Các mặt hàng tham gia phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân đều là hàng Việt, được bán với giá cả thấp hơn thị trường theo phương châm không lợi nhuận, thậm chí phải bù lỗ.
Chị Lê Thị Thành, thành phố Quảng Ngãi phấn khởi, hàng Việt hiện nay mẫu mã và chất lượng không kém gì hàng nhập ngoại, nhờ đó người dân ngày càng sử dụng nhiều hơn; xem đó như một điều nên làm, thể hiện tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc.
Hi vọng sản phẩm hàng Việt sẽ ngày càng được bày bán rộng rãi hơn nữa để mọi người, mọi nhà có thêm sự chọn lựa khi mua sắm.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, cuộc vận động cũng gặp phải nhiều khó khăn. Chẳng hạn như nguồn kinh phí phân bổ cho các hoạt động, các chương trình thực hiện còn hạn chế; kinh phí cho xúc tiến thương mại còn ít; kinh phí xây dựng điểm bán hàng Việt chưa được phân bổ kịp thời.
Đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho hay, nguồn kinh phí cho mỗi phiên chợ hàng Việt chỉ dao động ở mức từ 200-250 triệu đồng.
Việc tổ chức chỉ từ 1-2 lần/năm và thời gian diễn ra khá ngắn, chỉ từ 3- 5 ngày nên quy mô gian hàng nhỏ, người dân đến tham quan, mua sắm chưa được nhiều.
Đại diện Phòng Quản lý thương mại cho hay, để phát huy hiệu quả của cuộc vận động, tỉnh Quảng Ngãi sẽ tăng cường hơn nữa việc thực hiện các biện pháp cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định hiện hành trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Nguồn: Bnews, TTXVN