Trong tháng 10/2018, thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 8-10%.
Trong 10 tháng năm 2018, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam có nhiều điểm sáng. Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính hết 10 tháng năm 2018, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá với mức tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 8-10% trong năm 2018. Trong đó, cơ cấu xuất khẩu của nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 82,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, ước đạt 165,6 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ.
Điểm nổi bật trong xuất khẩu 10 tháng qua là sự tăng trưởng vượt bậc của khu vực doanh nghiệp trong nước. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã duy trì cao hơn khối FDI (cao hơn 13,2%).
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 10/2018 đạt 12,33 tỷ USD, tăng 21,1% (tương ứng tăng 2,15 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 10/2018. Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 10/2018 biến động tăng so với kỳ 1 tháng 10/2018 ở một số nhóm hàng sau: điện thoại các loại và linh kiện tăng 491 triệu USD, tương ứng tăng 23,1%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 213 triệu USD, tương ứng tăng 16,2%; giày dép các loại tăng 163 triệu USD; tương ứng tăng 26,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 146 triệu USD, tương ứng tăng 21,5%; hàng dệt may tăng 122 triệu USD, tương ứng tăng 9,4%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 93 triệu USD, tương ứng tăng 24,5%...
Như vậy, tính đến hết tháng 10 năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 202,03 tỷ USD, tăng 15,2% tương ứng tăng 26,67 tỷ USD so với cùng thời gian năm 2017.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 2 tháng 10/2018 đạt 8,84 tỷ USD, tăng 20,9% tương ứng tăng 1,53 tỷ USD so với kỳ 1 tháng 10/2018, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 10 tháng/2018 của nhóm các doanh nghiệp này lên 142,8 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 18,49 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70,7% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2018 so với 10 tháng đầu năm 2017

 

Còn nhiều thách thức…
Đã bước sang quý IV/2018 với những kết quả xuất khẩu khả quan, dự báo những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam càng có nhiều yếu tố thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cảnh bảo, các Hiệp đinh thương mại tự do (FTA) hiện nay mới chỉ là cơ hội, nếu các doanh nghiệp không biết cách tận dụng thì cơ hội sẽ trở thành thách thức. Cùng với đó, xu hướng bảo hộ gia tăng tại nhiều quốc gia, căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ có tác động hai mặt tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc, bài học từ việc thực thi 10 FTA của Việt Nam đã mang đến nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được còn khiêm tốn. Riêng lợi ích từ ưu đãi thuế quan, các DN mới tận dụng được chưa đầy 40%. Do đó, giải pháp quan trọng hiện nay là phải tổ chức theo dõi sát sao diễn biến thương mại, tận dụng triệt để các lợi thế xuất khẩu từ các FTA để hàng xuất khẩu của Việt Nam tìm được con đường riêng, ổn định trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần gấp rút triển khai và hướng dẫn doanh nghiệp để tận dụng cơ hội từ Hiệp định CPTPP mang lại khi hiệp định này có hiệu lực vào năm 2019. Đặc biệt, cần rà soát và tiếp tục gỡ bỏ một cách thực chất “giấy phép con”, đơn giản hóa những thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) PGS.TS. Phạm Tất Thắng cho biết, lâu nay hàng hóa Việt Nam xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc và khá phụ thuộc vào thị trường này. Khi xảy ra chiến tranh thương mại, nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc giảm đi, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang thị trường này. Vì thế cho nên, Việt Nam phải nỗ lực tìm được thị trường mới thay thế để lấp khoảng trống đang dần hiện hữu.