Báo cáo trên của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Mỹ (NOAA) được đưa ra chỉ hai ngày sau khi Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) công bố dữ liệu thời tiết cũng cho ra kết quả tương tự trên.
Theo nghiên cứu của NOAA, cũng giống như tháng Bảy hàng năm, tháng Bảy của năm 2016 là tháng nóng nhất với nhiệt độ chênh lệch tới 0,87 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20. Mức này đã phá kỷ lục của mức chênh lệch 0,11 độ C của tháng Bảy năm ngoái.
Với nhiệt độ tăng cao, tháng Bảy vừa qua là tháng thứ 15 liên tiếp phá vỡ các kỷ lục nhiệt độ hàng tháng - chuỗi thời gian ghi nhận nhiệt độ cao dài nhất trong vòng 137 năm qua.
Các nhà khoa học Mỹ nhận định xu hướng nhiệt độ ngày càng tăng này bắt nguồn từ tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch và hiện tượng nước biển nóng lên do El Nino, bất chấp hiện tượng này đã chấm dứt hồi tháng 7 vừa qua.
Xét trên từng khu vực, báo cáo NOAA chỉ ra rằng nhiệt độ cao cũng được ghi nhận tại một số khu vực ở vùng Vịnh, ví dụ như một vài nơi tại Kuwait với nhiệt độ tháng Bảy lên tới hơn 113 độ F (tương đương 45 độ C). Riêng tại Mitribah, Kuwait, nhiệt độ trong ngày 22/7 vừa qua đã ghi nhận ở mức 126,5 độ F (tương đương 52,5 độ C), mức cao nhất trong tháng 7/2016.
Còn tại Bahrain, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy nhiệt độ trung bình 96,8 độ F (tương đương 36 độ C) của tháng Bảy là mức cao nhất ghi nhận được tại quốc gia này kể từ mức kỷ lục quốc gia hồi năm 1902. Các nước như Tây Ban Nha, New Zealand cũng ghi nhận xu hướng ấm lên bất thường.
Theo báo cáo NOAA, hiện tượng El Nino cũng khiến nhiệt độ các đại dương tăng ở mức cao kỷ lục. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của san hô, gây ra hiện tượng san hô bị tẩy trắng. Tuy nhiên, hiện tượng nhiệt độ đại dương tăng cao không chỉ xảy ra trong tháng Bảy mà xuất hiện trong suốt 13 tháng qua.
Điều này cho thấy dù hiện tượng El Nino đã chấm dứt, hay hiện tượng La Nina bắt đầu chiếm ưu thế tại Thái Bình Dương từ tháng 7/2016, nhiệt độ đại dương vẫn ghi nhận những kỷ kục mới.
Theo dự báo của NOAA, La Nina dần dần phát triển trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10/2016 với nhiều khả năng hiện tượng này xuất hiện vào mùa Thu và mùa Đông ở Bắc Bán cầu.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng cho dù El Nino đã kết thúc, song dường như nhiệt độ toàn cầu trong năm 2016 vẫn chưa thoát khỏi xu hướng tăng để trở thành năm nóng nhất trong thời kỳ đương đại. Theo nghiên cứu này, nhiệt độ của 7 tháng đầu năm 2016 cao hơn so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20 là 1,85 độ F.
Nguồn: Bnews.vn/TTXVN