Kinh tế Mỹ quý 3/2018 tăng trưởng vững chắc
Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng vững chắc năm thứ 10 liên tiếp. Hầu hết các chỉ báo kinh tế đều khả quan, nhất là tiêu dùng và thị trường việc làm.
GDP sau khi tăng 2,2% trong quý 1/2018 đã tăng tiếp 4,2% trong quý 2/2018, mạnh nhất kể từ quý 3/2014, chủ yếu nhờ xuất khẩu đậu tương và các hàng hóa khác tăng mạnh trước khi chính sách thuế mới có hiệu lực. Ước tính GDP quý 2/2018 tiếp tục duy trì đà tăng cao (khoảng 3%), đưa mức tăng cả năm 2018 lên khoảng 3% - cao nhất kể từ 2005 và là năm tăng trưởng thứ 10 liên tiếp.
Thị trường lao động tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Mỹ. Từ mức 4,1% trong 3 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,7% trong tháng 9/2018 – thấp nhất trong vòng 49 năm. Kinh tế tăng trưởng tốt làm tăng nhu cầu nhân lực lao động. Tháng 8/2018 nền kinh tế Mỹ tạo thêm 201.000 việc làm mới, cao hơn nhiều so với dự đoán; đơn xin trợ cấp thất nghiệp lầm đầu giảm 10.000 xuống 203.000 – thấp nhất kể từ tháng 12/1969; và mức lương trung bình giờ của người lao động tăng 10 US cent so với tháng 7/2018 (tăng 0,4%, mạnh nhất kể từ tháng 12/2017).
Chi tiêu tiêu dùng tăng đều đặn khoảng 0,2% mỗi tháng bởi người tiêu dùng lạc quan về triển vọng kinh tế và tiền lương tăng. Tháng 8/208, chi tiêu tiêu dùng tăng 0,2%, sau khi tăng 0,3% trong tháng 7/2018. Đại học Michigan công bố niềm tin tiêu dùng tăng từ 95,7 trong tháng 1/2018 lên 100,1 vào tháng 9/2018, là là lần thứ 3 vượt ngưỡng 100 kể từ tháng 1/2004. Tuy nhiên, người dân Mỹ bắt đầu lo ngại về ảnh hưởng của chính sách tăng thuế nhập khẩu.
Lạm phát tăng đều đặn trong năm 2018, từ 2,1% tháng 1/2018 lên 2,9% trong tháng 6 và 7/2018, giảm nhẹ xuống 2,7% vào tháng 8/2018, chủ yếu do giá xăng dầu và lương đều tăng.
Thâm hụt thương mại tiếp tục là vấn đề nan giải đối với nền kinh tế Mỹ. Thâm hụt trong 2 tháng đầu năm 2018 ở mức khoảng 52 – 53 tỷ USD, giảm liên tiếp trong 3 tháng tiếp theo xuống 42,5 tỷ USD vào tháng 5/2018 nhưng sau đó tăng trở lại, lên mức 50,1 tỷ USD vào tháng 7/2018, trong đó riêng với Trung Quốc thâm hụt tăng 10% lên kỷ lục 36,8 tỷ USD, do nhập khẩu cao kỷ lục trong khi xuất khẩu đậu tương và máy bay dân sự gần đây giảm mạnh.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ cho biết thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 8 đã tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng. Nguyên nhân là do xuất khẩu của các mặt hàng bị đánh thuế sụt giảm, trong khi người tiêu dùng trong nước lại tranh thủ mua ôtô và điện thoại nhập khẩu.
Việc nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng lên mức kỷ lục đã khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc và Mexico đều tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay. Cụ thể, tổng thâm hụt thương mại của Mỹ trong đã tăng 6,4% trong tháng 8/2018 so với tháng 7/2018 lên 53,2 tỷ USD, vượt xa mức tăng chưa đầy 5% mà các chuyên gia dự báo. Sau khi điều chỉnh lạm phát, con số này đã tăng từ 82,4 tỷ USD trong tháng 7 lên 86,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 1/2006. Đáng chú ý, thâm hụt thương mại của các mặt hàng mang tính chất nhạy cảm chính trị với Trung Quốc đã tăng 4,7% lên mức kỷ lục 38,9 tỷ USD. Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã tăng 0,6% lên 262,7 tỷ USD với nhập khẩu mặt hàng xe hơi đã tăng lên mức kỷ lục. Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ trong tháng 8 đã giảm 0,8% xuống 209,4 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đậu tương và dầu thô đã lần lượt giảm 1 tỷ USD và 0,9 tỷ USD.
Sản xuất duy trì tăng trưởng với PMI trên 55 điểm trong 9 tháng đầu năm nay, song tốc độ tăng chậm lại, thể hiện ở PMI liên tiếp giảm từ tháng 5/2018 tới nay, xuống 53,4 vào tháng 9/2018, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2017, do ảnh hưởng của bão lớn và số đơn đặt hàng tăng chậm lại.
Niềm tin kinh doanh duy trì trên 57 điểm trong 9 tháng đầu năm khi giới kinh doanh Mỹ tiếp tục tin tưởng vào triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng lo ngại về ảnh hưởng của chính sách thuế mới.
Liên minh châu Âu đã cơ bản vượt qua khủng hoảng
Kinh tế Liên minh châu Âu (EU) quý 3/2018 tiếp tục tăng trưởng ở tốc độ vừa phải. Eurozone đã cơ bản vượt qua khủng hoảng kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm, lạm phát tăng dần, Hy Lạp được xác nhận chính thức thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, đàm phán Brexit khó khăn và căng thẳng thương mại với Mỹ đang đe dọa tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
GDP của EU sau khi liên tiếp duy trì tốc độ tăng trưởng cao 0,7% (so với quý trước) trong 5 quý liên tiếp tính tới quý IV/2017 đã chậm lại còn 0,4% trong quý I và 2/2018.
Eurozone và Anh đã trải qua nhiều cuộc đàm phán nhưng có nguy cơ hai bên chia tay mà không đạt được thỏa thuận nào. Hội nhập giữa EU và Anh đã diễn ra sâu rộng trong nhiều lĩnh vực nên Brexit không chỉ gây ra tổn thất đối với Anh mà còn đối với cả 27 nước thành viên còn lại trong EU. IMF nhận định, những nền kinh tế có độ mở lớn của EU, trong đó có Bỉ, Hà Lan và Ireland, sẽ cảm nhận rõ nhất tác động của Brexit đối với kinh tế, và thiệt hại về kinh tế đối với Ireland sẽ tương tự như đối với Anh.
Trong khi đó, việc Mỹ tăng thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu cũng góp phần làm gia tăng những rủi ro đối với nền kinh tế khu vực này.
Lạm phát của EU nói chung và Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) nói riêng duy trì quanh mức 1,3-1,6% trong 4 tháng đầu năm 2018, sau đó mạnh lên mức 2 – 2,2% trong những tháng tiếp theo, một phần do giá dầu tăng. Tại Eurozone, lạm phát từ tháng 4 đến tháng 9/2018 duy trì trong khoảng 1,9 – 2,1%, sát với mục tiêu 2%.
Tỷ lệ thất nghiệp tại EU tiếp tục xu hướng giảm, từ 7,2% tháng 1/2018 xuống 6,8% tháng 5/2018 (thấp nhất kể từ tháng 9/2008) và duy trì mức đó cho tới nay. Thất nghiệp tại Eurozone cũng giảm dần từ 8,6% tháng 1/2018 xuống 8,1% tháng 8/2018, thấp nhất kể từ năm 2008.
Về thương mại, trong 7 tháng đầu năm 2018, EU chỉ có thâm hụt ngân sách trong tháng 1 và 4. Tại Eurozone, thặng dư cán cân thương mại hàng tháng duy trì khoảng 15 đến 22 tỷ EUR.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại EU tăng 0,4 điểm trong tháng 1/2018 nhưng rơi vào vùng âm kể từ tháng 2, đến tháng 9/2018 âm 2,8%. Tương tự, tại Eurozone, chỉ số niềm tin tiêu dùng cũng giảm nhanh kể từ tháng 2/2018 và rơi vào vùng âm kể từ tháng 6/2018, đến tháng 9/2018 là âm 2,9. Bên cạnh những nguyên nhân như nguy cơ tác động từ chính sách thuế quan của Mỹ và kết quả những cuộc bầu cử trong năm nay trong EU làm dấy lên lo ngại về chủ nghĩa dân túy, người tiêu dùng còn lo ngại về tình hình tài chính trong tương lai cũng như về triển vọng của thị trường việc làm…
Sản xuất công nghiệp tại EU tăng trưởng chậm lại, từ mức 3,6% trong tháng 1/2018 còn 0,8% trong tháng 7/2018. Tại Eurozone, tốc độ tăng cũng chậm dần, từ 3,6% xuống -0,1% trong cùng kỳ. PMI sản xuất của Eurozone tháng 9/2018 ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm. Các cuộc chiến thương mại, Brexit, nhu cầu toàn cầu suy yếu (đặc biệt trong ngành sản xuất ôtô), và bất ổn chính trị gia tăng tại cả Eurozone và những khu vực khác là những lý do chính khiến hoạt động kinh doanh sụt giảm.
Chỉ số niềm tin kinh doanh tại EU chậm lại từ 9,2 điểm trong tháng 1/2018 còn 4,5 điểm trong tháng 9/2018. Tại Eurozone, chỉ số môi trường kinh doanh cũng giảm nhẹ từ 1,62 tháng 1/2018 còn 1,21 vào tháng 9/2018.
Trung Quốc tăng trưởng chậm lại
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng chậm lại. Cuộc chiến thuế quan với Mỹ gây lo ngại sẽ khiến cho tình hình trở nên xấu đi.
GDP trong 6 tháng đầu năm 2018 tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mục tiêu của chính phủ đề ra là tăng khoảng 6,5% trong cả năm nay. Tốc độ tăng vẫn được duy trì ở mức 6,7-6,9% trong 12 quý liên tiếp. Tuy nhiên, nền kinh tế đang đối mặt với nhiều rủi ro.
Trước tháng 5/2018, các lĩnh vực kinh tế của Trung Quốc đều tương đối tích cực. Nhưng kể từ tháng 5/2018, thị trường chứng khoán giảm điểm, đồng CNY mất giá liên tục, và doanh thu của doanh nghiệp sụt giảm. Đáng lo ngại là những dấu hiệu này xuất hiện khi kinh tế Trung Quốc trên thực tế chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các biện pháp tăng thuế của Mỹ.
Lạm phát giá tiêu dùng (CPI) trung bình trong 8 tháng đầu năm 2018 ở mức 2,3% (so với cùng kỳ năm trước). Lạm phát gần đây có dấu hiệu giảm, trong tháng 8/2018 CPI chỉ tăng 0,5%, sau khi tăng 2,1% trong tháng 7/2018, trong đó lạm phát giá thực phẩm cũng chậm lại từ 2,3% còn 1,7%.
Xuất khẩu tăng 12,2% trong 8 tháng đầu năm 2018 so với 7,9% của năm 2017, trong khi nhập khẩu trong cùng giai đoạn tăng lần lượt 21% và 15,9%. Thặng dư thương mại trong 8 tháng đầu năm nay giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 422,5 tỷ USD xuống 193,7 tỷ USD. Các công ty và doanh nghiệp đã đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ trước khi các biện pháp áp thuế liên tiếp được áp đặt. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 34,1 tỷ USD trong tháng 9/2018, với kim ngạch xuất khẩu tăng lên 46,7 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm xuống 12,6 tỷ USD. Từ tháng 1-9/2018, thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã lên tới 225,79 tỷ USD, so với mức 196,01 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Đầu tư tài sản cố định 8 tháng đầu năm 2018 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, chậm hơn mức tăng 7,2% của năm 2017. FDI trong 8 tháng đầu năm nay tăng 6,1% so với 4% của năm 2017. Tuy nhiên, triển vọng đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài sẽ khó khăn hơn khi nhiều nước cảnh giác hơn với dòng vốn từ Trung Quốc.
Mỹ và châu Âu đang xây dựng các biện pháp nhằm hạn chế các khoản đầu tư từ Trung Quốc rót vào lĩnh vực công nghệ của những nước này. Ngay tại châu Phi, nơi Trung Quốc đã rót rất nhiều tiền vào các dự án lớn nhỏ, nhiều quốc gia cũng bắt đầu nâng thuế đối với công ty nước ngoài và ưu đãi cho công ty địa phương nhằm hạn chế làn sóng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc.
Giá nhà đất tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018, nhưng đã tăng trở lại kể từ đó. Chỉ số giá nhà đất tăng từ 5% tháng 1/2018 lên 7% vào tháng 8/2018.
Sản xuất tiếp tục tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại, từ mức trên 51 trong 8 tháng đầu năm xuống 50,8 hiện nay. Số liệu mới nhất của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 30/9/2018 cho thấy lĩnh vực chế tạo của nước này đã tăng chậm hơn dự kiến trong tháng 9/2018 do số đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm xuống 48 điểm, mức thấp nhất kể từ 2016 và là tháng thứ 4 liên tiếp giảm. Điều đó báo hiệu các biện pháp thuế quan của Mỹ có thể bắt đầu gây tác động mạnh hơn lên quốc gia này. Tuy nhiên, PMI sản xuất vẫn ở trên ngưỡng 50 trong 26 tháng liên tiếp, với các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng tiếp tục tăng mạnh.
Nhu cầu tiêu dùng ở Trung Quốc đã giảm dần ngay từ trước khi cuộc chiến thương mại với Mỹ leo thang. Điều này diễn ra giữa bối cảnh chi phí vay của các doanh nghiệp bắt đầu tăng sau khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh việc thắt chặt kiểm soát đối với hoạt động cho vay và các khoản nợ.
Doanh số bán lẻ trong 8 tháng đầu năm tăng 9,3%, thấp hơn mức 10,2% của năm 2017 gây lo ngại nhu cầu nội địa không đủ mạnh để hỗ trợ nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng nếu xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế của Mỹ.
Tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc liên tiếp giảm. Tỷ lệ thất nghiệp chung trên toàn quốc hiện ở mức 3,83%, thấp nhất trong vòng khoảng 20 năm.

Nguồn: Vinanet