GDP quý 1/2019 tăng vượt xa dự báo của các nhà phân tích, tăng 3,2% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Lý do chủ yếu bởi thâm hụt thương mại giảm và đầu tư gia tăng của các chính quyền địa phương vào các dự án hạ tầng như đường xá. Nếu đà tăng trưởng được duy trì trong quý 2/2019, thì kinh tế Mỹ sẽ có chuỗi 10 năm tròn đi lên, quãng thời gian tăng trưởng dài kỷ lục.
GDP năm 2018 tăng 2,9%, cao nhất kể từ 2015, được thúc đẩy chủ yếu bởi các đợt cắt giảm thuế do Tổng thống Donald Trump khởi xướng (giảm thuế doanh nghiệp xuống 21%) kéo theo đầu tư của các doanh nghiệp (tăng 6,2% trong năm vừa qua); lợi nhuận của các doanh nghiệp (tăng 7,8% trong năm 2018 so với mức 3,2% của năm 2017); và thị trường lao động tăng trưởng mạnh (tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất 50 năm), thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng của Mỹ đã chậm dần từ cuối năm 2018, theo đó GDP quý 4/2019 tăng trưởng 2,2%, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý 4/2017 và là quý tăng trưởng yếu nhất trong năm 2018, chủ yếu do chi tiêu vào các công trình cũng như cho bất động sản đều sụt giảm. Một số nguyên nhân có thể kể tới là việc Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần trong suốt 5 tuần, kéo dài từ cuối năm 2018 tới đầu năm 2019. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động và bất ổn thương mại sẽ tác động bất lợi tới triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới này. Trong khi đó, ngành nông nghiệp Mỹ đang đối mặt với nhiệm vụ khó khăn trước hậu quả của các đợt bão tuyết và lũ lụt nghiêm trọng, vốn đã gây thiệt hại lớn đối với cây trồng và gia súc, trong bối cảnh môi trường ngày càng nhiều thách thức với các mức thuế quan quá cao do Trung Quốc và các đối tác thương mại khác áp đặt lên hàng hóa Mỹ. Ngoài ra, chính sách thương mại “quyết liệt” của Mỹ, việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, và các vấn đề khác cho thấy những dấu hiệu đang ảnh hưởng bất lợi tới tăng trưởng kinh tế thế giới và kinh tế Mỹ.
GDP quý 1/2019 có dấu hiệu tiếp tục tăng chậm lại. Theo Công ty dự báo kinh tế Macroeconomic Advisers, GDP Mỹ quý 1/2019 tăng 1,4%. Các biện pháp kích cầu của Chính phủ Mỹ (cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của Chính phủ có tổng trị giá 1.500 tỷ USD) mất dần tác dụng, kết hợp với chính sách tiền tệ đang thắt chặt dần bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ, giữa bối cảnh tác động từ các yếu tố bên ngoài như cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, nhu cầu trên toàn cầu suy giảm, tiến trình Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit) rơi vào bế tắc…
Lạm phát của Mỹ liên tiếp chậm lại từ tháng 10/2018 (khi đó tăng 2,5% so với một năm trước) xuống chỉ 1,6% trong tháng 1/2019 và 1,5% trong tháng 2/2019 – thấp nhất kể từ tháng 9/2016, chủ yếu bởi giá xăng dầu và hàng may mặc giảm trong khi giá điện không thay đổi.
Thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Tỷ lệ thất nghiệp ở 3,8%, gần sát mức thấp nhất trong vòng 50 năm. Chính sách giảm thuế doanh nghiệp đã kéo hoạt động sản xuất tăng lên, tạo thêm nhiều việc làm mới. Một số lĩnh vực đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt lao động. Sự cạnh tranh trong tuyển dụng lao động đã thúc đẩy mức tăng lương và các khoản phúc lợi cho người lao động, song hiện không có những dấu hiệu đáng quan ngại về sức ép lạm phát được nhắc tới trong báo cáo "Sách Be" của Fed.
Thâm hụt thương mại năm 2018 cao nhất trong vòng một thập kỷ bất chấp các chính sách thuế mạnh tay của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, thâm hụt có xu hướng giảm từ đầu năm 2019, theo đó mức thâm hụt trong tháng 1/2019 giảm gần 15% so với tháng 12/2018 xuống 51,1 tỷ USD, do nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm. Cũng trong tháng 1/2019, kim ngạch nhập khẩu giảm 2,6% xuống còn 258,5 tỷ USD trong khi xuất khẩu tăng gần 1% đạt 207,3 tỷ USD. Đáng chú ý, thâm hụt thương mại với Trung Quốc giảm 5,5 tỷ USD trong tháng 1/2019. Sang tháng 2/2019, thâm hụt tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng, giảm 3,4% so với tháng trước đó, xuống còn 49,4 tỷ USD, thấp hơn so với con số 54 tỷ USD mà các nhà kinh tế dự đoán. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thâm hụt thương mại giảm sau khi đạt mức cao nhất trong 10 năm vào tháng 12/2018, và khiến mức thâm hụt thương mại của hai tháng đầu năm nay thấp hơn 7,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Chỉ số USD so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt đã tăng 1,1% trong quý 1/2019, mức tăng nhất kể từ quý 2/2018, do nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt so với các đối tác và FED giữ nguyên lộ trình tăng lãi suất cho tới gần cuối quý.
Chỉ số niềm tin tiêu dùng liên tiếp tăng trong 3 tháng đầu năm 2019, từ mức 91,2 của tháng 1/2019 lên 98,4 trong tháng 3/2019, bởi nhiều chỉ số kinh tế của Mỹ vẫn biểu hiện tích cực. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng quý 4/2019 tăng 2,5%, thấp hơn so với mức dự tính là 2,8% và càng thấp so với 3,5% của quý 3/2018.
Sản xuất duy trì tăng trưởng với PMI sản xuất luôn trên ngưỡng 50 từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên, chỉ số này có dấu hiệu giảm tốc, từ mức gần 55 của tháng 1/2019 còn 52,3 trong tháng 3/2019, thấp nhất kể từ tháng 6/2017. Đơn đặt hàng lâu bền mới trong tháng 1/2019 chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 1,3% trong tháng 12/2018. Tác động từ chương trình cắt giảm thuế doanh nghiệp đang mờ dần, trong khi chi phí lao động và thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng kéo chi phí sản xuất tăng theo. Nhu cầu yếu trên phạm vi toàn cầu, kể cả thị trường Trung Quốc, càng thêm ảnh hưởng tới sản xuất của các doanh nghiệp Mỹ.
Lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ tăng mạnh vào đầu năm 2018 một phần là nhờ gói cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang từ mức 35% xuống còn 21% được áp dụng bắt đầu từ tháng 1/2018. Càng về cuối năm, tác động tích cực của gói cắt giảm thuế này suy yếu dần khi các lo ngại về chiến tranh thương mại với Trung Quốc, kinh tế toàn cầu giảm tốc dẫn đến làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ. Trong quí 4/2018, lợi nhuận của 500 doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất Mỹ tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2017, mức tăng thấp nhất trong các quý của năm 2018; doanh thu của các doanh nghiệp này cũng tăng yếu nhất kể từ giữa năm 2017 (tăng 5,1%).
Chính sách. Trong kỳ họp tháng 3/2019, Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ - kéo dài đã gần 3 năm, giữ lãi suất ở mức 2,25% - 2,5%; đồng thời phát tín hiệu sẽ không tăng lãi suất thêm một lần nào nữa trong năm nay, giữa bối cảnh kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu giảm tốc. Đồng thời, Fed cũng thông báo ngừng chương trình thắt chặt định lượng (QT) vào tháng 9/2019. Fed đã nâng lãi suất cho vay 4 lần trong năm 2018, lần cuối cùng là trong tháng 12/2018.
Tuy nhiên, việc Fed tạm dừng lộ trình thắt chặt tiền tệ sẽ hỗ trợ phần nào cho nền kinh tế này. Trong trường hợp kinh tế Mỹ xấu đi, Fed rất có thể sẽ quay trở lại chính sách cắt giảm lãi suất để đưa tăng trưởng kinh tế quốc gia trở về quỹ đạo.
Thuế quan. Cắt giảm thuế là ưu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Cộng hòa ở Quốc hội trong mấy năm qua. Thống kê cho thấy nợ quốc gia của Mỹ đã "phình to" lên 22.000 tỷ USD. Kể từ khi nắm quyền điều hành đất nước, Tổng thống Trump không ngừng đưa ra các biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt thương mại như đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Mục tiêu lớn nhất trong cuộc chiến giảm thâm hụt nhằm vào Trung Quốc. Đến nay, tổng giá trị hàng hóa bị tăng thuế của hai bên đã lên tới hơn 360 tỷ USD. Sau nhiều vòng đàm phán, cho tới nay Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để giải quyết những bất đồng là căn nguyên của cuộc chiến thuế quan hiện nay.
Ngoài Trung Quốc, ông Trump cũng không ngừng xem xét lại quan hệ song phương với một loạt đối tác theo quan điểm muốn có mức thuế "có đi có lại" giữa các bên. Ðầu tháng 3/2019, Chính phủ Mỹ tuyên bố có thể chấm dứt ưu đãi thuế quan dành cho Ấn Ðộ (do Ấn Ðộ triển khai nhiều rào cản gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động thương mại của Mỹ) và Thổ Nhĩ Kỳ (vì nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đạt mức phát triển nhất định và không còn nằm trong diện hưởng ưu đãi). Với EU, quan hệ của Mỹ cũng căng thẳng sau khi Bộ Thương mại Mỹ đệ trình một báo cáo lên Nhà trắng với nội dung cho rằng hoạt động nhập khẩu ôtô có thể làm tổn hại an ninh quốc gia, mở đường cho Tổng thống Trump áp thuế nhập khẩu ôtô lên tới 25% như cảnh báo từng đưa ra.
Trước những dự đoán không mấy tích cực và rủi ro có thể xảy ra, Tổng thống Mỹ D.Trump vẫn giữ quan điểm chính sách thương mại của Mỹ sẽ không bị ràng buộc bởi những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và sẽ bảo vệ quyền tăng thuế.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu chung của Phòng Thương mại Mỹ và hãng nghiên cứu Rhodium Group, việc Mỹ và Trung Quốc tăng thuế lên hàng hóa của nhau sẽ làm giảm GDP, việc làm, đầu tư và các dòng chảy thương mại của Mỹ, sẽ khiến kinh tế Mỹ mất 1.000 tỷ USD trong một thập kỷ và gây thiệt hại cho lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Kinh tế Mỹ tổn thất cũng sẽ gây tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Ước tính GDP của Mỹ sẽ thiệt hại 45-60 tỷ USD trong năm đầu tiên và con số này sẽ tăng lên khoảng 89-125 tỷ USD mỗi năm trong 5 năm tiếp theo. GDP của Mỹ đạt xấp xỉ 20.500 tỷ USD trong năm 2018
Dự báo. Fed trong kỳ họp tháng 3/2019 dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức 2,9% trong năm 2018, đồng thời nhận định tỷ lệ thất nghiệp năm nay sẽ ở mức 3,7% (cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 12/2018); lạm phát có thể ở mức 1,8% (thấp hơn mức dự báo 1,9% trước đó). Kinh tế Mỹ năm 2019 dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại do chịu tác động từ nhiều yếu tố tiêu cực cả bên trong lẫn bên ngoài như: Tác động từ các chính sách kích thích của Tổng thống Trump yếu đi, thâm hụt ngân sách và nợ doanh nghiệp cao, tỷ lệ thất nghiệp thấp tốt cho tiêu dùng trong nước nhưng lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp vì chi phí tăng và khó tìm kiếm lao động phù hợp, tăng trưởng và tiêu dùng toàn cầu (nhất là tại Trung Quốc và Châu Âu) chậm lại, căng thẳng thương mại với các đối tác thương mại lớn (đặc biệt là Trung Quốc) gia tăng (ảnh hưởng tới xuất khẩu của Mỹ), Brexit không suôn sẻ...
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng hạ dự báo nhịp độ tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2019, tuy nhiên cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn tăng mạnh hơn so với các quốc gia phát triển khác.
Trong báo cáo "Triển vọng Kinh tế Thế giới" hàng quý công bố ngày 9/4 vừa qua, IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, giảm so với con số dự đoán tăng 2,5% đưa ra hồi tháng 1, nhưng vẫn khá mạnh. Dù vậy, báo cáo của IMF vẫn cảnh báo về những nguy cơ từ mức nợ cao và tình trạng căng thẳng thương mại. Nền kinh tế hàng đầu thế giới được dự báo cũng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2020 với mức tăng trưởng chỉ vào khoảng 2%.

Nguồn: Vinanet