Nhận định này được đưa ra giữa lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tìm cách đưa nước này trở thành quốc gia đi đầu trong thúc đẩy thương mại tự do và trước những lời phàn nàn từ một số công ty nước ngoài rằng hiện họ không còn được hoan nghênh như trước nữa.
Hồi đầu tháng 3/2017, Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EUCC) đã bảy tỏ quan ngại về việc chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc mà EUCC cho là mang tính phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc trên và lên tiếng trấn an các công ty nước ngoài đang hoạt động tại đây.
Tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc (CDF) hôm 20/3 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Bắc Kinh sẽ loại bớt các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài, và đảm bảo một sân chơi bình đẳng cho các công ty đăng ký hoạt động tại nước này.
Chính phủ khuyến khích các công ty có vốn đầu tư nước ngoài niêm yết và phát hành cổ phiếu tại thị trường Trung Quốc, tham gia các chương trình khoa học-công nghệ quốc gia và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết thêm ông hy vọng các quốc gia sẽ giải quyết và vượt qua những vấn đề và xung đột phát sinh từ quá trình toàn cầu hóa, thông qua các cuộc đối thoại hiệu quả.
Phát biểu tại Bắc Kinh cuối tuần trước, quan chức Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), bà Gabriela Ramos nói một nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại nhưng bền vững sẽ tốt cho nước này và còn có lợi cho cả thế giới. Trong khi đó, ông Michael Spence - người từng đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 - nhận định rằng Trung Quốc là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế toàn cầu.
Trong vòng 5 năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khối lượng hàng hóa trị giá 8.000 tỷ USD, vốn đầu tư rót vào nước này và của Trung Quốc ra nước ngoài lần lượt đạt 600 tỷ và 750 tỷ USD. 
Nguồn: Vietnamplus.vn