Theo ông Ma Zhengqi, Phó Chủ tịch Cơ quan Nhà nước về Quản lý Thị trường, nỗ lực cải cách và mở cửa thị trường đã tạo thêm sinh lực cho Trung Quốc với số thực thể thị trường tăng mạnh trong 40 năm qua.

Số lượng thực thể thị trường của Trung Quốc tăng từ 490.000 vào thời gian đầu của tiến trình cải cách và mở cửa lên 109 triệu vào cuối tháng 11/2018.
Số liệu cho thấy các thực thể thị trường cá thể và tư nhân chiếm tới 95% tổng con số trên, đóng góp hơn 60% Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc và hơn 80% tổng số việc làm ở các khu vực đô thị.
Bên cạnh đó, ông Ma Zhengqi cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách để hợp lý hóa hệ thống luật lệ quy định, hoàn thiện và tối ưu hóa các dịch vụ, cũng như tăng cường cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh của đất nước.
Hiện Trung Quốc tìm cách chuyển đổi nền kinh tế hướng tới mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào lĩnh vực dịch vụ.
Trong khi đó, ông Sheng Songcheng, nhà tư vấn làm việc cho Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương), cho rằng Trung Quốc sẽ không sử dụng tới các biện pháp kích thích “kiểu ào ào như nước lũ” trong chính sách tiền tệ trong năm 2019, mặc dù sẽ xem xét cắt giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng thương mại nếu cần.
Cũng theo ông Sheng Songcheng, kinh tế Trung Quốc sẽ đối mặt với sức ép suy giảm trong năm 2019, trong khi nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này sẽ dần ổn định.
Trước đó, để tránh tình trạng suy giảm mạnh, Trung Quốc đã công bố một loạt biện pháp chính sách trong năm 2018, bao gồm bốn lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để thúc đẩy hoạt động cho vay, cùng với việc hạ thấp thuế và phí, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng “tăng tốc”.
Nguồn: Anh Quân (Theo THX, Reuters)/Bnews. TTXVN