Trước diễn biến tỷ giá trung tâm và tỷ giá ngân hàng thương mại thời gian qua có những diễn biến tăng, giảm ngược chiều. Bên cạnh đó, tỷ giá 2019 đang là ẩn số, người viết có một số trao đổi với ông Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight về vấn đề này.
Thưa ông, tỷ giá trung tâm thời gian qua liên tục tăng và lập đỉnh kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm vào đầu năm 2016. Trong khi đó, tỷ giá ở một số ngân hàng thương mại lại giảm, khoảng cách giá ngoại tệ niêm yết ở các ngân hàng so với Sở Giao dịch NHNN cách ra khá xa, vì sao lại có hiện tượng này?
TS. Bùi Quang Tín: Tỷ giá của các ngân hàng thương mại sẽ +/-3% so với tỷ giá trung tâm, do vậy việc lên xuống của tỷ giá trung tâm chỉ mang tính điều hành, không hẳn quyết định tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Tỷ giá tại các ngân hàng thương mại do cung cầu ngoại tệ trên thị trường quyết định chủ yếu. Có thể nói là tỷ giá trung tâm phần lớn nhằm điều hành thị trường, định hướng cho ngân hàng thương mại, không bắt buộc các ngân hàng phải đi theo hướng nào.
Các ngân hàng thương mại được quyền niêm yết tỷ giá trong biên độ 3%. Tỷ giá ngân hàng thời gian qua giảm trong khi tỷ giá trung tâm tăng, điều này phản ánh dòng tiền ngoại tệ cuối năm nhiều. Bên cạnh đó cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị đổ vốn vào Việt Nam, vừa qua đã đổ rồi, sắp tới sẽ đổ tiếp trong thị trường bất động sản của Việt Nam.
Chưa kể các dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII), thường đi theo các Hiệp định tự do thương mại như FTA. Vừa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA ) đã được Ủy ban Châu Âu trình lên Hội đồng Châu Âu. Đó cũng là xu hướng tích cực trong định hướng sắp tới nếu năm 2019-2020 Hiệp định được thông qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU sẽ được xem như “một thế giới phẳng” với các thuế xuất về 0%.
Đi kèm với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang căng thẳng thì các dòng vốn nước ngoài sẽ đổ nhiều hơn vào Việt Nam, theo đó, thanh khoản USD sẽ tăng lên. Chính vì lẽ đó, khi tỷ giá USD giảm, thể hiện thanh khoản USD vào cuối năm tốt, ngân hàng sẽ mạnh dạn giảm tỷ giá xuống bất kể tỷ giá trung tâm tăng.
Theo ông, tỷ giá năm 2019 sẽ diễn biến ra sao?
TS. Bùi Quang Tín: Tỷ giá năm 2019 sẽ phụ thuộc rất lớn vào hai biến số là hành động của Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (Fed) và quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về Fed, cuối tuần này Fed sẽ họp cuộc họp cuối cùng của năm 2018 và trong dự kiến tăng 0,25 điểm %. Trong phát biểu gần đây nhất, Chủ tịch Fed Jerome Powell đưa ra công bố khiến thị trường chứng khoán toàn cầu tăng 3 - 4%, mức tăng lãi suất của Fed sẽ chậm dần và gần đạt bão hòa, tức mức cân bằng của nền kinh tế. Điều này có nghĩa trong năm 2019, Fed khả năng không tăng ba đợt nữa, hoặc năm 2020 sẽ không tăng lãi suất nữa.
Chính vì lẽ đó, dự kiến đợt tăng lãi suất tháng 12 này sẽ gần như là đợt cuối cùng trong thời điểm hiện nay đến 2020. Với việc kiềm chế tăng lãi suất này của Fed, tác động tích cực đến tỷ giá USD/VND.
Điều này có nghĩa Việt Nam sẽ không bị áp lực tăng tỷ giá trong năm 2019.
Thứ hai là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, hiện hai nước đang tạm đình chiến 90 ngày kể từ ngày 3/12, tuy nhiên theo đánh giá của cá nhân tôi, việc này thể hiện rất rõ lên thị trường chứng khoán Mỹ và Châu Âu hai ngày gần đây gần như đỏ lửa, kéo thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống những ngày qua.
Có khả năng hôm nay (19/12) thị trường tiếp tục giảm điểm, bất kể các thông tin thị trường Việt Nam đang diễn biến tốt.
Theo đánh giá của giới đầu tư, cuộc chiến Mỹ - Trung chỉ mang tính hình thức, không mang tính thực chất. Và có thể sau đình chiến 90 ngày sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, một trong những điều tác động tiêu cực đến tỷ giá USD/VND.
Bởi khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tăng lên, Trung Quốc không thể dùng đòn thương mại với Mỹ được, ngược lại họ sẽ phải sử dụng chính sách tiền tệ. Khi đó, chúng ta thấy ba tháng vừa qua, đồng Nhân dân tệ mất giá gần 10%, đi kèm với đó là một loạt đồng ngoại tệ khác như AUD, EUR, CAD mất giá từ 3 – 7%.
Trong khi đó, rổ tiền tệ tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam có 9 đồng tiền, hầu hết trong đó thời gian qua giảm trung bình 5 – 7%. Trong khi tỷ giá USD/VND chỉ giảm 2,5%, cho nên nhiều người vẫn nói là đồng VND đang tăng.
Vì vậy, tôi dự đoán tỷ giá 2019, nếu kiểm soát tốt thì sẽ trong khoảng 2-3%, nếu đi theo nhịp mất giá của các đồng tiền nằm trong rổ tỷ giá trung tâm thì có thể VND mất giá trên mức 3%. Cho nên đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng tăng thêm các nguồn thu dịch vụ từ bán sản phẩm phái sinh để bảo hiểm cho tỷ giá.
Nguồn: Tiến Vũ, Theo Kinh tế & Tiêu dùng/Vietnambiz.vn