Tại các ngân hàng thương mại, giá USD sáng nay biến động nhẹ. Cụ thể, lúc 8 giờ 20 phút, Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.770 – 22.840 VND/USD (mua vào – bán ra), không đổi so với hôm qua.
Thời điểm này, BIDV cũng niêm yết giá USD mua vào – bán ra tương ứng ở mức 22.765- 22.835 VND/USD, không đổi so với hôm qua.
Trong khi đó, Techcombank điều chỉnh giảm 10 đồng ở chiều mua và bán so với hôm qua. Giá đồng bạc xanh đang được ngân hàng này mua vào - bán ra tương ứng ở mức 22.750- 22.850 VND/USD.
Tỷ giá trung tâm giữa VND và USD sáng 14/3 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 22.262 đồng, không đổi so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.930 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.594 VND/USD.
Trên thị trường tự do tại Hà Nội sáng nay 14/3/2017 lúc 9h, đồng USD được giao dịch ở mức 22.840 đồng/USD chiều mua vào và chiều bán ra là 22.860 đồng/USD.
Thế giới
Đầu phiên giao dịch ngày 14/3 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 101,28 điểm, giảm khá nhiều so với mức 102,1 điểm cuối tuần trước.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,0668 USD; 114,64 yen đổi 1 USD và 1,2227 USD đổi 1 bảng Anh.
Đêm qua, đồng USD trên thị trường quốc tế biến động mạnh, có lúc giảm khá sâu sau nhiều phiên tăng mạnh trong tuần trước. Giới đầu tư chốt lời khá mạnh đồng tiền này bất chấp khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất (25 điểm phần trăm) trong cuộc họp 15/3 tới đã lên tới trên 90%.
Diễn biến ngược này là do đồng bạc xanh đã tăng từ trước đó. Trên thị trường, các nhà đầu tư thường “mua theo tin đồn và bán khi tin ra”.
Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi các tín hiệu tiếp theo sẽ được phát ra sau cuộc họp của Fed về triển vọng nền kinh tế Mỹ cũng như kế hoạch tăng lãi suất sẽ tiếp diễn như thế nào. Bên cạnh đó, giới đầu tư còn chờ đợi kết quả các cuộc bầu cử tại châu Âu, trong đó có cuộc bầu cử quốc hội Hà Lan vào ngày 15/3 có thể dẫn tới nguy cơ “Nexit”, tương tự như Brexit (nước Anh rời EU) sẽ lặp lại.
Nguồn: VITIC tổng hợp/Vietnamnet.vn,tygiadola.com