Theo đó, dự kiến có 35 loại phí sẽ được chuyển sang cơ chế giá như viện phí, học phí, thủy lợi phí, phí sử dụng nước… Trong đó, phí sử dụng đường bộ sẽ được chuyển sang cơ chế giá với tên gọi “Giá sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ theo hình thức đối tác công tư”.

Đáng chú ý, Nhà nước chỉ định giá đối với đường độc đạo. Trong trường hợp này, Bộ Giao thông Vận tải định giá đối với quốc lộ, đường cao tốc, UBND quy định đối với đường do địa phương quản lý.

Còn với những tuyến đường song song sẽ thực hiện theo cơ chế giá thị trường. Các đơn vị chỉ phải thực hiện kê khai giá với Bộ Giao thông Vận tải hoặc địa phương theo phân cấp.

Đồng tình với việc chuyển phí sử dụng đường bộ sang cơ chế giá, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng theo cơ chế thị trường, Nhà nước không nên can thiệp vào giá dịch vụ mà nên để cho nhà cung cấp tự quyết định. Nói cách khác, giá được xác định dựa trên quy luật cung cầu trong điều kiện cạnh tranh đầy đủ.

“Cạnh tranh đầy đủ tức là phải có đủ cạnh tranh thì mới nên để cho tư nhân tự định giá, bởi nếu định giá quá cao thì người tiêu dùng sẽ sử dụng dịch vụ của đối thủ cạnh tranh”, ông Đức lưu ý.

Ông Đức cho rằng, một thứ dịch vụ có 2 nhà cung cấp thì chưa gọi là cạnh tranh đầy đủ.

Ngoài ra, xung quanh vấn đề “hai tuyến đường song song”, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng hiện nay cũng như sau này, chắc không có khả năng tồn tại hai tuyến đường song song đều thuộc diện đối tác công tư (PPP), vì không có nhà đầu tư nào lại muốn đối đầu trực tiếp với một đối thủ tư nhân khác như vậy. 

Trường hợp phổ biến nhất sẽ là một tuyến đường PPP song song với một tuyến đường của Nhà nước. 

Nếu như trước đây không có đường của tư nhân song song, thì Nhà nước sẽ chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo tuyến cũ. Nhưng một khi đã có đường song song thì có khả năng tuyến đường của Nhà nước sẽ không được duy tu bảo dưỡng tốt như trước.

“Như vậy, hai tuyến đường, một tốt, một xấu sẽ giống như giầy bata và giầy Adidas, dù có cùng mục đích sử dụng nhưng ở hai phân khúc thị trường khác nhau, không cạnh tranh trực tiếp với nhau. Khi đó, người dân không có quyền lựa chọn nữa và nhà đầu tư PPP có thể nâng giá để hưởng lợi nhuận độc quyền” - ông Nguyễn Minh Đức lo ngạ.

Theo vị chuyên gia này, nếu không giải quyết được hết các bài toán nêu trên thì việc cho phép chủ đầu tư tư nhân được tự quyết định giá dịch vụ sử dụng đường bộ sẽ tạo gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp. 

Phạm Hà Nam