Tỷ giá về mức thấp nhất trong 4 tháng, nhưng vẫn khó lường
Một báo cáo phát hành chiều muộn ngày 10/4 của BVSC đánh giá, diễn biến tỷ giá USD/VND trong quý I/2017 nhìn chung tương đối bình ổn. So với thời điểm cuối năm 2016, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào thời điểm cuối tháng 3 có mức tăng khoảng 0,5%, trong khi tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng nhẹ 0,02%. Cũng có một vài thời điểm tỷ giá tăng khá mạnh (tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3), nhưng đợt tăng chỉ diễn ra trong vài ngày và nhanh chóng hạ nhiệt.
Theo Báo cáo cập nhật thị trường tiền tệ (tuần 3/4 - 7/4/2017) của SSI Retail Reseach, trong tuần qua, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng 35 đồng, riêng ngày 7/4 tăng 14 đồng. Tỷ giá giao dịch thực tế lại đi theo chiều ngược lại. Tỷ giá ngân hàng giảm 80 đồng, trong khi tỷ giá tự do giảm 70 đồng. Theo SSI Retail Reseach, đây là mức thấp nhất trong hơn 4 tháng và chỉ còn chênh 1,7% so với tỷ giá tham chiếu. Tính từ đầu năm, tỷ giá tham chiếu đã tăng 0,69%, còn tỷ giá tự do lại giảm 1,56%.
Theo BVSC, có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng tăng nhẹ trong quý I vừa qua.
Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh trong quý I. Chỉ số Dollar Index đã giảm 2,3%, trong đó giảm mạnh nhất là so với JPY (-5,2%), tiếp đến là EUR (-1,9%) và CNY (-1%). Đây cũng là diễn biến khá bất ngờ xét trong bối cảnh FED vẫn đang trong tiến trình tăng dần lãi suất (đã tăng thêm 0,25% trong cuộc họp chính sách tháng 3) trong khi NHTW châu Âu và Nhật Bản vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Do VND “neo” chủ yếu vào đồng USD nên khi USD giảm cũng đồng nghĩa với việc VND mất giá so với phần lớn các đồng tiền còn lại trong rổ tính tỷ giá trung tâm. Điều này dẫn đến tỷ giá trung tâm có xu hướng tăng nhẹ trong quý I.
Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, cán cân thương mại đã chuyển sang trạng thái nhập siêu trong ba tháng đầu năm 2017 (-1,9 tỷ USD) trong khi cùng kỳ năm 2016 xuất siêu 776 triệu USD. Nhập siêu gia tăng mạnh trong quý I chủ yếu do tốc độ tăng của nhập khẩu (22,4%) cao hơn tốc độ tăng của xuất khẩu (12,8%). Những thông tin liên quan đến nhập siêu đã gây sức ép nhất định, khiến tỷ giá có biến động tương đối lớn tại một số thời điểm.
Tuy nhiên, thời gian còn lại của năm nay, BVSC cho rằng, tỷ giá vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.
Ngoài ra, tình trạng nhập siêu gia tăng mạnh trở lại là rủi ro rất đáng chú ý. Cán cân thanh toán tổng thể trong năm 2017 được dự báo cũng khó có thể đạt mức thặng dư cao như năm 2016.
Do vậy, “tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ có biến động mạnh hơn trong các quý tới với mức giảm giá của VND so với USD trong cả năm nay sẽ xoay quanh mức 3%”, BVSC nhận định.
Lãi suất chưa giảm, nhưng thanh khoản có dấu hiệu hạ nhiệt
Theo SSI Retail Reseach, tuần qua, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục đứng ở mức cao. Lãi suất kỳ hạn qua đêm chốt tuần ở 4,55%, chỉ giảm nhẹ so với cuối tuần trước. Như vậy, lãi suất kỳ hạn qua đêm đã dao động từ 4,3% đến 4,8% trong khoảng thời gian một tháng, quãng thời gian dài nhất kể từ đợt căng thanh khoản xảy ra trước Tết Nguyên đán năm 2016.
Một diễn biến mới đó là khối lượng OMO mà NHNN bơm ra đã bắt đầu giảm. Trong tuần qua, NHNN chỉ bơm ra 24 nghìn tỷ đồng, trong khi có 32 nghìn tỷ đồng tuần trước đáo hạn (tất cả OMO kể từ đầu tháng 2 đều có kỳ hạn 7 ngày). Như vậy, có 8 nghìn tỷ đồng được hút ra khỏi hệ thống, kéo lượng OMO đang lưu hành giảm xuống 24 nghìn tỷ đồng. Đây là tuần đầu tiên NHNN hút tiền sau 4 tuần liên tiếp phải bơm tiền hỗ trợ thanh khoản.
Đánh giá về diễn biến thị trường liên ngân hàng tuần qua, BVSC cho rằng, lãi suất liên ngân hàng giảm đi kèm động thái hút ròng của NHNN trong tuần cho thấy thanh khoản hệ thống tuần qua bắt đầu dồi dào trở lại.
Trong cuộc họp đánh giá tình hình lãi suất quý I/2017, NHNN nhận định mặt bằng lãi suất tiếp tục diễn biến ổn định, lãi suất huy động tăng chủ yếu mang tính cục bộ, tạm thời trong thời gian ngắn với mức tăng không lớn, do đó hiện tại không có áp lực về vấn đề lãi suất.
SSI Retail Reseach cũng cho rằng: “Lãi suất có thể ổn định thậm chí giảm trở lại nếu tăng trưởng tín dụng và huy động được tái cân bằng. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý của NHNN”.
Trong khi đó, ở một báo cáo của mình, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) lại dự báo rằng, lãi suất cho vay có thể tăng nhẹ. Do áp lực tăng lãi suất huy động tại các kỳ hạn, có nhiều khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng trong tháng 4/2017, nhằm đảm bảo mục tiêu về doanh thu của các ngân hàng; song, biên độ tăng có thể sẽ nhỏ.

Nguồn:D.T/thoibaotaichinhvietnam.vn