Trong báo cáo vĩ mô mới được công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân Hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết, sau khi tân Tổng thống Mỹ Trump chính thức đắc cử, đã có nhiều lo ngại về tính khả thi của TPP và ngay trong những phát ngôn đầu tiên sau khi lên làm Tổng thổng, Trump đã thể hiện sự cứng rắn trong quan điểm rút Mỹ khỏi TPP.

Mặc dù không có TPP, Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng với 12 FTA, nhưng quyết tâm mạnh mẽ rút khỏi TPP của ông Trump đã phần nào cộng với dòng vốn FDI những tháng cuối năm 2016 chảy chậm lại đang dấy lên các lo ngại. FDI được coi là một yếu tố quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam khi khối doanh nghiệp FDI đóng góp rất lớn vào xuất siêu cũng như tăng trưởng GDP và dòng ngoại hối.

"Dòng vốn FDI trong những tháng cuối năm có dấu hiệu suy giảm ảnh hưởng đến các rủi ro về tăng trưởng, ngoại hối, tỷ giá, cán cân xuất nhập khẩu", báo cáo của BSC cho biết.

Theo BSC, đánh giá xu hướng FDI tại Việt Nam các yếu tố được xem xét gồm: Cơ cấu FDI hàng năm của Việt Nam phần lớn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore (chiếm tới gần 53%) trong FDI từ Mỹ chỉ chiếm khoảng 1.5%, do đó, chính sách “America first” của Donald Trump nhằm giảm đầu tư vào các thị trường mới nổi sẽ không ảnh hưởng nhiều đến cơ cấu vốn FDI của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đồng tiền của hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản đang trong xu hướng giảm sẽ thúc đẩy dòng vốn tìm địa chỉ đầu tư ngoài lãnh thổ. Đặc biệt, đồng tiền của Nhật Bản sẽ chịu áp lực giảm giá mạnh hơn trong năm 2017 khi BoJ nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng định lượng.

Đồng thời, FDI quay trở lại chảy vào kênh sản xuất, chế biến và chế tạo mạnh hơn thay vì chảy vào kênh kinh doanh bất động sản giúp cho dòng vốn ổn định và mang tính bền vững.

Ngoài ra, FDI chảy vào Trung Quốc đang có dấu hiệu suy giảm (lũy kế 11 tháng FDI chảy vào Trung Quốc giảm 8.5% so với cùng kỳ) và sẽ phải tìm bến đỗ mới trong khu vực. Đây là yếu tố duy trì mức FDI bền vững trong dài hạn khi chi phí sản xuất của Việt Nam đứng ở mức thấp trong khu vực đi cùng hạ tầng và giao thông đang được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh TTP, các hiệp định thương mại tự do khác đang trong vòng đàm phán như RCEP, FTA với EU cũng hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cải thiện dòng vốn FDI cho Việt Nam.

Do đó, vốn FDI chảy vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy ổn định vào Việt Nam trong dài hạn. Vốn FDI giải ngân được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng ở mức độ ổn định CAGR 11.4% trong 3 năm tới trong khi FDI đăng ký sẽ chững lại ở mức trung bình 20 tỷ USD hàng năm.

"Việc FDI suy giảm mạnh là ít khả năng xảy ra, tuy nhiên tốc độ giải ngân trong tương lai gần có thể sẽ không tăng trưởng tốt như giai đoạn trước. Điều này khiến các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của FDI và dòng vốn nước ngoài sẽ chịu các rủi ro đáng kể hơn, dù vậy chúng tôi cho rằng những lo ngại này đã phản ánh phần lớn vào diễn biến thị trường của các nhóm ngành này gồm: trực tiếp (dệt may, thủy sản, nông sản); gián tiếp (logistic, cảng biển, khu công nghiệp)", theo báo cáo của BSC.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn