Trong báo cáo mới nhất công bố vào đầu tháng Sáu, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra một dự báo không quá lạc quan cho cả thị trường mới nổi và các nước phát triển nếu các tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa các nền kinh tế lớn tiếp tục leo thang.
Theo WB, những động thái gia tăng thuế quan trên toàn thế giới sẽ gây ra những hậu quả bất lợi lớn cho hoạt động thương mại và kinh doanh trên toàn cầu.
WB dự báo nhịp độ tăng trưởng trên toàn cầu sẽ dần giảm tốc, khi ước ở mức 3,1% trong năm 2018 nhưng sẽ giảm dần xuống 2,9% vào năm 2020. Bên cạnh đó, chỉ một số các quốc gia sẽ ghi nhận hoạt động kinh tế tăng tích cực hơn trong năm nay.
Tranh chấp thương mại đang gia tăng
Quan hệ thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada, Mexico..., đã trở nên căng thẳng sau khi Washington tuyên bố áp thuế đối với mặt hàng thép và nhôm nhập từ cả những nước đồng minh thân cận của Mỹ, cùng với động thái dọa sẽ áp dụng biện pháp bảo hộ "quy mô lớn" nhằm vào Trung Quốc.
Theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ gia tăng biện pháp áp thuế nhập khẩu lên hàng hóa của Trung Quốc, như biện pháp hạn chế đầu tư sắp tới của Bộ Tài chính Mỹ, triển vọng hai bên đi tới một thỏa hiệp có vẻ như xa vời dần và không loại trừ khả năng cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ xảy ra.
Những diễn biến này đang khiến hệ thống thương mại thế giới - vốn là nền tảng cho sự thịnh vượng của nền kinh tế toàn cầu - gặp hiểm nguy. Nguy cơ đó sẽ càng trở nên rõ hơn khi EU, Trung Quốc và một số quốc gia khác cũng lên tiếng đe dọa sẽ trả đũa Mỹ.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, “cuộc chiến” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tập trung vào lĩnh vực kinh tế-thương mại, thể hiện qua việc mở rộng phạm vi trừng phạt và quy mô hàng hóa bị áp thuế. Nhưng trong trung và dài hạn, tranh chấp Trung - Mỹ có thể sẽ diễn biến thành tranh chấp trên nhiều góc độ như nguồn nhân lực, tài chính, địa lý…
WB cảnh báo bất cứ trở ngại nào đối với hoạt động thương mại ở Trung Quốc hay Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, sẽ dẫn đến hiệu ứng lan toả tiêu cực cho phần còn lại của thế giới thông qua các kênh thương mại, tài chính và hàng hóa.
Báo cáo của WB cảnh báo rằng những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng sẽ là các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE).
Trong đó, các lĩnh vực như nông nghiệp và chế biến thực phẩm sẽ phải hứng chịu những tổn thất lớn nhất. Các rào cản phi thuế quan cũng có thể được nâng lên, qua đó làm gia tăng chi phí thương mại xuyên biên giới.
Các phí tổn liên quan đến hoạt động vận chuyển, dịch vụ hậu cần và kho vận (logistics), các trở ngại về pháp lý và quy định cũng sẽ ngày càng lớn, đặc biệt là tại các nước EMDE.
Bên cạnh đó, bất ổn xuất phát từ những thay đổi chính sách chủ chốt ở các nền kinh tế lớn đều sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính và hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.
WB lưu ý rằng xu hướng tự do hóa thương mại đã chậm lại trong thời gian gần đây, với số lượng thỏa thuận thương mại mới trong năm 2017 đạt mức thấp nhất trong vòng 18 năm qua.
Các tác động từ "làn sóng" bảo hộ
Trong bối cảnh các điều kiện tài chính và thương mại quốc tế ngày càng bớt thuận lợi, cùng với việc chu kỳ tăng trưởng của các nhà xuất khẩu hàng hóa đã dần đến hồi kết, nhịp độ tăng trưởng về tổng thể của các quốc gia EMDE được dự báo vẫn tương đối khả quan khi ước đạt 4,5% trong năm nay và giữ ở mức 4,7% vào các năm 2019 và 2020.
Trong giai đoạn này, chỉ khoảng một nửa các nhà xuất khẩu cũng như nhập khẩu hàng hóa được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn mức trung bình trước khủng hoảng. Về lâu dài, WB cảnh báo nếu những động thái cải cách chính sách tiếp tục “vắng mặt”, tiềm năng tăng trưởng của các nước EMDE sẽ suy yếu dần, phản ánh năng suất và những lợi thế nhân khẩu học đều dần suy giảm.
Trong khi đó, báo cáo của WB cũng đưa ra dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ ít chịu tác động từ những thay đổi chính sách thương mại gần đây. Nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến đạt nhịp độ tăng trưởng 2,7% năm nay rồi giảm xuống 2,5% vào năm 2019.
Khi các kế hoạch kích thích tài chính và tiền tệ dần lùi xa, tăng trưởng của nước Mỹ được dự báo sẽ giảm xuống còn 2% vào năm 2020.
Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), trong bối cảnh những chính sách kích thích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn được duy trì, tăng trưởng của khu vực Eurozone được dự báo sẽ vào khoảng 2,1% trong năm 2018.
Sau đó, con số này sẽ sẽ giảm xuống còn 1,7% vào năm 2019 và 1,5% vào năm 2020, khi giá dầu tăng cao ảnh hưởng tới tiêu thụ, các chính sách điều tiết tiền tệ dần được gỡ bỏ và chi phí cho vay tăng lên.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ giảm từ mức tăng trưởng 6,9% năm 2017 xuống 6,5% năm nay, rồi tiếp tục giảm xuống 6,3% trong giai đoạn 2019-2020, khi xuất khẩu tăng ở mức khiêm tốn và những yếu tố bất lợi gia tăng.
Ngoài ra, những điều chỉnh chính sách dự kiến sẽ tiếp tục giảm do các cơ quan chức năng tiếp tục thắt chặt chính sách điều tiết vĩ mô và loại bỏ dần những hỗ trợ cho thị trường tài chính.
Rủi ro đối với triển vọng tăng tưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xuất phát từ lỗ hổng khu vực tài chính, bên cạnh những tranh chấp thương mại, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại các quốc gia đối tác thương mại chủ chốt của nước này.
Nguồn: H.Thủy (Tổng hợp)/TTXVN, Bnews