DN nội vươn lên
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, nửa đầu năm, XK ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 6, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch XK tiếp tục là: Điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD); hàng dệt, may (13,42 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đánh giá: Điểm tích cực trong XK nửa đầu năm được thể hiện khá rõ khi khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, khu vực 100% vốn trong nước XK ước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng 16,3% của năm 2017. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) XK ước đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,5%, thấp hơn mức tăng 20,7% của năm 2017.
“Yếu tố tích cực này đã được nhìn nhận từ những tháng cuối năm 2017 và tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm nay”, ông Hưng nói. Ông Hưng nhấn mạnh thêm: Nửa đầu năm, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường XK mới. Bằng chứng là, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%... Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng XK chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Iraq tăng 27,9%, Nga tăng 25,4%...
Nhìn vào kết quả đạt được trong nửa đầu năm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) phân tích, bài học kinh nghiệm rút ra là phải quán triệt tốt 3 trụ cột lớn gồm: Phát triển sản phẩm, tạo nguồn hàng cho XK; phát triển thị trường và tổ chức XK để đạt hiệu quả cao. Về phát triển sản phẩm, cả DN FDI lẫn DN nội địa đều rất quan tâm đến tín hiệu thị trường, đầu tư sản xuất, tạo nguồn hàng cho XK. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, thủy sản, Việt Nam có năng lực sản xuất tăng cao. Về phát triển thị trường nước ngoài, không chỉ các thị trường Việt Nam có ký kết FTA mà ngay cả các thị trường không có FTA cũng ghi nhận sự tăng trưởng XK mạnh. Liên quan tới vấn đề tổ chức XK, năm nay điểm nổi bật đáng ghi nhận là khâu kết hợp tổ chức XK cả theo đường chính thức lẫn đường thương mại biên giới sang thị trường Trung Quốc được thực hiện khá tốt.
Xuất khẩu sẽ đạt trên 236 tỷ USD
Bộ Công Thương nhận định nửa cuối năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho XK. Theo chu kỳ, thông thường XK nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ XK từ giữa quý II. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Dự báo, kim ngạch XK cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Một số mặt hàng XK có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt gồm: Điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD (tăng khoảng 10,4%); máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD (tăng khoảng 15,6%); hàng dệt, may ước đạt 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%); giày dép ước đạt 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 14,7 tỷ USD (tăng khoảng 15%).
Mặc dù vậy, ông Hưng cho hay, XK vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm XK của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường NK như cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm XK của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ,…). “Trong nửa đầu năm, trung bình XK đạt 19,5 tỷ USD/tháng. Để đạt kết quả chung đề ra, 6 tháng cuối năm phải XK đạt 20,45 tỷ USD/tháng. Việc đạt mức XK bình quân này là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của các bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng DN”, ông Hưng nói.
Xung quanh câu chuyện XK nửa cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Tăng trưởng XK phải cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, tăng trưởng theo chiều rộng đã đạt được nhưng cần xem xét kỹ chiều sâu có tương đồng hay không? Về vấn đề phát triển thị trường, trong bối cảnh xung đột thương mại hiện nay, các thị trường ngày càng khắt khe về hàng rào kỹ thuật, hàng rào bảo hộ, đặt ra yêu cầu phải có sự xâu chuỗi, kết hợp bộ, ngành nhằm giải quyết tốt vấn đề thị trường. Tất cả các bộ, ngành như Công Thương, NN&PTNT, Tài chính… phải vào cuộc để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững”.
Theo Bộ Công Thương: 6 tháng đầu năm 2018, cơ cấu XK tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực. Theo đó, XK các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa XK (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, tỷ trọng XK đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện với tỷ trọng hai nhóm hàng này đạt lần lượt là 81,9% và 11,8% (tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 80,2% và 12,5%).
Cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch XK. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực DN trong nước ước đạt 12,9 tỷ USD.
Nguồn: Baohaiquan.vn