Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả trong tháng 7/2018 đạt 330 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng trước, nhưng giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế đến hết tháng 7/2018, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả ước đạt 2,32 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam 7 tháng qua vẫn là thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ tương ứng với con số 1,47 tỷ USD và 61,9 triệu USD. Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, nếu so với tốc độ tăng trưởng trong 7 tháng năm 2017.
Nhìn vào những thị trường ngành rau quả của Việt Nam đang hướng đến, có thể thấy kim ngạch xuất khẩu vẫn đang đà đi lên. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia kinh tế, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gây ra những tác động tiêu cực đối với xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, đối với thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc, đây là hai thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Do đó, việc hai quốc gia này có xung đột thương mại, sẽ không thể không tác động đến hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang hai nước này.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, trước những áp lực về việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, các sản phẩm nông sản của Trung Quốc sẽ phải tìm thị trường thay thế. Với nguồn cung lớn, giá rẻ, rau quả Trung Quốc sẽ tiếp tục gây áp lực cạnh tranh rất lớn đối với nông sản Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, khi Trung Quốc đánh thuế bổ sung 25% đối với các nông sản xuất khẩu của Mỹ như trái cây và các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm… Để tránh bất lợi này, các sản phẩm nông sản của Mỹ có thể sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn.
Đặc biệt, ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm. Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa khiến nhu cầu nhập khẩu giảm xuống. Điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Tìm lợi thế từ xung đột thương mại
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) - ông Nguyễn Văn Việt, để tăng cường sản xuất, xuất khẩu nông sản nói chung, rau quả nói riêng, từ nay đến hết năm 2018, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác, có thị trường và hiệu quả hơn (cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao) và sang các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, Bộ cũng tiếp tục tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm rau quả.
Ở góc nhìn bao quát hơn khi nhận định về tình hình tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mặc dù kim ngạch không giảm nhưng tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đang giảm dần qua các tháng. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông thủy sản đang gặp một số trở ngại tại các thị trường lớn, điều này cho thấy những tác động thấy rõ của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, sẽ có những khó khăn không nhỏ cho xuất khẩu của Việt Nam khi xung đột thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp tục kéo dài. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe, điều này khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu.
Có thể thấy rõ có quá nhiều rào cản, khó khăn vẫn đang “chờ đợi” ở phía trước đối với lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nhóm ngành hàng nông thủy sản trong đó có mặt hàng rau quả, vì đây là nhóm ngành hàng chủ lực.
Theo khuyến cáo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần phải rất nỗ lực trong việc nắm bắt thông tin thị trường, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu để có thể vượt qua được những quy định, quy chuẩn khắt khe từ phía đối tác.
Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới, đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả giảm phụ thuộc vào một thị trường.
Quan trọng hơn, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường nhập khẩu./.
Nguồn: Nguyễn Quỳnh/Vov