Xuất khẩu tăng hơn 9%

Theo thống kê mới nhất từ Bộ NN&PTNT, giá trị XK thủy sản tháng 5 ước đạt 671 triệu USD, đưa khối lượng XK thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 3,12 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường NK hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, chiếm 52,7% tổng giá trị XK thủy sản. 4 tháng đầu năm, các thị trường có giá trị XK thủy sản tăng mạnh là Hà Lan (60,2%), Trung Quốc (28,8%), Anh (27,4%) và Đức (27%).

Đi sâu đánh giá các mặt hàng thủy sản XK chủ lực là tôm và cá tra, điểm dễ nhận thấy là thị trường tôm trong 5 tháng đầu năm khá ổn định đối với tôm sú, nhưng có biến động giảm khá mạnh đối với tôm thẻ chân trắng do giá tôm trên thế giới giảm với sản lượng thu hoạch tại một số nước tăng. Đặc biệt, loại cỡ tôm từ 70 - 100 con/kg đang phải chịu mức giá giảm mạnh nhất, giảm 30.000 đ/kg so với thời điểm đầu năm, các cỡ khác giảm từ 15.000-20.000 đ/kg. Trái lại, mặt hàng cá tra liên tục đón nhận những thông tin tích cực khi thị trường luôn nóng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm. Nếu thời điểm đầu năm, giá cá tra dao động phổ biển 27.000-29.000 đ/kg thì nay đã thiết lập mức đỉnh mới với giá phổ biến từ 31.000 –33.000 đ/kg (cá loại I). Dự báo, với tình hình trên nguồn cá nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu XK trong năm nay sẽ hạn chế, tuy nhiên giá cá tra XK đạt ở mức tốt và có thể  kéo dài cho tới hết năm.

Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), suốt năm 2018 có một số yếu tố có thể tác động không tích cực đến XK thủy sản như: Chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ; thuế chống bán phá giá tôm, cá tra sang Hoa Kỳ và “thẻ vàng” hải sản của Ủy ban châu Âu… Bên cạnh đó, một số vấn đề nội tại như thiếu nguyên liệu cho chế biến XK, vấn đề kháng sinh, giá thành sản xuất,… vẫn đang trong quá trình cải thiện. “Những yếu tố này nếu không được giải quyết hiệu quả sẽ là nguy cơ triệt tiêu các nỗ lực tích cực như kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương; xây dựng uy tín chất lượng hàng hóa, xúc tiến thương mại, sản phẩm giá trị gia tăng, cải thiện môi trường kinh doanh,…”, ông Trương Đình Hòe, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VASEP đánh giá.

Nâng cao giá trị hàng xuất khẩu

Nếu như dịp đầu năm, ngành thủy sản chỉ đặt ra mục tiêu XK cả năm đạt khoảng 9 tỷ USD thì ở thời điểm hiện tại, căn cứ trên những kết quả đạt được, con số này đã được điều chỉnh lên mức 10 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm tiến tới mục tiêu 4,8 tỷ USD, tăng 26%; cá tra 2 tỷ USD, tăng 10% và các mặt hàng hải sản đạt 3,3 tỷ USD, tăng 22%.

Một số chuyên gia nhìn nhận, từ nay đến hết năm cũng như tương lai xa hơn, để thúc đẩy XK thủy sản, ngoài các giải pháp về chủ động con giống, phát triển thị trường trọng điểm, tiềm năng thì điều quan trọng còn là phải xây dựng định hướng cho mục tiêu sản xuất, XK các mặt hàng giá trị gia tăng, đồng thời tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề nhức nhối trong ngành tôm càng sớm càng tốt.

Liên quan tới vấn đề này, VASEP đưa ra phân tích: Tôm được xác định là mặt hàng chủ đạo của nhóm hàng thủy sản XK của Việt Nam trong ít nhất 10 năm tới, với cơ cấu chiếm 45-75% tổng kim ngạch XK thủy sản. Ngoài những lợi thế Việt Nam đã xây dựng được như có sản lượng, có tôm sinh thái, hàm lượng giá trị gia tăng cao, công nghệ chế biến hiện đại…, hai vấn đề là lây nhiễm kháng sinh và tạp chất vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất, XK tôm. Điều này đã khiến cộng đồng DN phải gia tăng hơn nhiều các hoạt động kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng theo chuỗi, tại nguồn và thành phẩm khiến chi phí sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm tăng, hạn chế nhiều nguồn hàng để đảm bảo giữ uy tín hàng hóa và niềm tin của khách hàng.

Về sản xuất, XK hàng hóa nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng, VASEP cho rằng: Bài toán phát triển, bài toán hàng hóa và công nghiệp ngành hàng trong ngành nông nghiệp, thủy sản trong tương lai cần được định hướng phát triển ở góc độ giá trị gia tăng cho sản phẩm, bao gồm từ công nghệ chế biến, an toàn thực phẩm, hình thức bao gói, thông tin sản phẩm, sự tiện lợi, chứng nhận, truyền thông, quảng bá… Trên thực tế, hiện nay một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam như tôm chân trắng, cá ngừ đóng hộp, cua thịt đóng hộp, surimi… đã bắt đầu làm được điều đó. Tuy nhiên, đáng chú ý là những kết quả đạt được hầu hết xuất phát từ “sức kéo” của thị trường chứ chưa hoàn toàn là sự chủ động có mục tiêu của Việt Nam. Bởi vậy, VASEP kiến nghị Chính phủ xem xét và xây dựng chương trình “Gia tăng giá trị nông-thủy sản Việt Nam” đến năm 2025 theo mục tiêu kết nối giá trị gia tăng cho toàn chuỗi sản xuất chế biến. Chọn yếu tố giá trị gia tăng cho mỗi khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất, chế biến và có chính sách khuyến khích phù hợp chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ  xu hướng nâng cao giá trị cho sản phẩm XK.

Nguồn: Baohaiquan.vn