Diễn biến XNK 3 quý đầu năm. Biểu đồ: T.Bình

Gần 149 tỷ USD trong quý 3
Dữ liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 9, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tiếp tục xác lập kỷ lục mới và là tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm ghi nhận dấu mốc trên 50 tỷ USD (tháng 8 trước đó cũng đạt hơn 50 tỷ USD).
Hết tháng 9 có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên gồm: giày dép đạt 12,13 tỷ USD; máy móc thiết bị đạt 18,19 tỷ USD; dệt may đạt 22,16 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 32,2 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 36,79 tỷ USD.
Nhập khẩu có 4 nhóm hàng đạt kim ngạch từ 10 tỷ USD trở lên. Lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 45,08 tỷ USD. Tiếp theo là máy móc thiết bị đạt 26,47 tỷ USD; nhóm hàng nguyên phụ liệu dệt may, giày dép (gồm cả vải) đạt 15,46 tỷ USD; điện thoại và linh kiện đạt 10,64 tỷ USD.
Cụ thể, tháng 9 tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 51,37 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ đạt 27,16 tỷ USD, giảm 1,9% so với tháng trước. Mặc dù vậy, đây vẫn là trị giá ấn tượng, bởi so với tháng có trị giá xuất khẩu thấp nhất (tháng 4 với kim ngạch 17,6 tỷ USD), xuất khẩu tháng này đã tăng tới 9,56 tỷ USD.
Trong khi đó, hoạt động nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng với trị giá đạt 24,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Đáng chú, tháng 9 là tháng thứ bốn liên tiếp kim ngạch nhập khẩu duy trì đà tháng sau tăng so với tháng liền kề trước.
Sự khởi sắc liên tiếp trong hai tháng gần đây (tháng 8, tháng 9) giúp quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu cả quý 3 đạt 148,8 tỷ USD, tăng tới 27% so với quý trước và là quý có quy mô kim ngạch lớn nhất kể từ đầu năm (chiếm tỷ trọng tới 38,3% kim ngạch cả 9 tháng). Trong đó, trị giá xuất khẩu trong quý 3/2020 đạt 79,8 tỷ USD, tăng 34% và trị giá nhập khẩu là 69 tỷ USD, tăng 20,2%.
Tính chung hết tháng 9, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 388,62 tỷ USD, vượt 6,6 tỷ USD (tương ứng tăng 1,7%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trị giá xuất khẩu là 202,57 tỷ USD, tăng 4,1% và trị giá nhập khẩu là 186,05 tỷ USD, giảm 0,7%. Sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng qua dù không cao như thông lệ nhưng năm gần đây nhưng vẫn là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thương mại toàn cầu gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Tương quan trị giá xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn 9 tháng đầu năm 2019 và 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tương quan trị giá xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn 9 tháng đầu năm 2019 và 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Một thông tin đáng chú ý khác là cán cân thương mại của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm thặng dư ở mức cao nhất từ trước tới nay, với con số xuất siêu lên đến 16,52 tỷ USD, tăng tới 127% so với cùng kỳ 2019 (cùng kỳ đạt 7,27 tỷ USD).
Thêm một tín hiệu đáng mừng là hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt tăng trưởng ấn tượng để bù đắp cho sự sụt giảm của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hết tháng 9, khối doanh nghiệp trong nước đạt kim ngạch 154,94 tỷ USD, tăng tới 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu đạt 72,7 tỷ USD, tăng mạnh 18,7% và nhập khẩu đạt 82,19 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 233,68 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm tới 8,42 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó xuất khẩu đạt 129,82 tỷ USD, giảm 2,7% và nhập khẩu đạt 103,86 tỷ USD, giảm 4,5%.

Tương quan trị giá xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn 9 tháng đầu năm 2019 và 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tương quan trị giá xuất khẩu của 10 nhóm hàng lớn 9 tháng đầu năm 2019 và 2020. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Những nhóm hàng nhiều biến động
Với tổng trị giá đạt 202,57 tỷ USD, quy mô kim ngạch xuất khẩu trong 3 quý đầu đầu năm tăng 4,1% (tương ứng tăng 7,92 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có tới 30/45 nhóm hàng chủ lực đạt tốc độ tăng trưởng dương. Một số nhóm hàng chủ lực có mức tăng trưởng ấn tượng và đóng góp nhiều nhất như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 6,6 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 5,18 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 949 triệu USD, đá quý, kim loại quý và sản phẩm tăng 652 triệu USD...
Đối với hoạt động nhập khẩu, sự khởi sắc trong quý 3 giúp tổng trị giá trong cả 9 tháng qua đạt 186,05 tỷ USD, chỉ còn giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm 2019, tương đương giảm 1,33 tỷ USD.
Các nhóm hàng nhập khẩu có biến động giảm nhiều nhất là: nguyên phụ liệu ngành dệt may da giày giảm 2,54 tỷ USD; xăng dầu các loại giảm 1,81 tỷ USD; sắt thép các loại giảm 1,15 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại giảm 912 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng giảm 347 triệu USD...
Ngược với đà giảm chung ở lĩnh vực nhập khẩu, nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện vẫn đạt được mức tăng ấn tượng với kim ngạch tăng thêm so với cùng kỳ năm ngoái tới 6,85 tỷ USD.

Nguồn: Haiquanonline