Theo kết quả khảo sát của ANZ-Roy Morgan công bố ngày 25/11, Chỉ số CCI của Việt Nam tăng 1,2 điểm lên 142,3 điểm trong tháng 11 – mức cao nhất trong vòng 5 tháng qua.

Số điểm này bằng với mức đạt được vào tháng 2 năm nay, cũng là ngưỡng cao thứ hai kể từ khi khảo sát bắt đầu được tiến hành vào tháng 1/2014. Trước đó, CCI đã thiết lập mức kỷ lục 143,1 điểm vào tháng 6/2015.

Chỉ số CCI tăng nhờ niềm tin của người tiêu dùng vào tình hình tài chính cá nhân tăng, cũng như tâm lý lạc quan hơn trong quyết định mua sắm các vật dụng chính trong gia đình.

Về tình hình tài chính cá nhân, 34% số người tiêu dùng Việt Nam tham gia khảo sát (không thay đổi so với tháng 10) cho rằng tình hình tài chính gia đình họ hiện tại “tốt hơn” so với cùng kỳ năm trước, trong khi 11% số người (giảm 5%) cho biết tình hình “xấu hơn” - mức thấp nhất từ trước đến nay được ghi nhận cho chỉ số này.

Theo những người được khảo sát, 56% trong số họ (giảm 1% so với tháng 10) kỳ vọng tình hình tài chính gia đình họ sẽ “tốt hơn” vào thời điểm này năm tới, trong khi chỉ có 3% số người (giảm 2%) dự đoán tình hình sẽ “xấu hơn” - cũng là mức thấp nhất từ trước đến nay của chỉ số này.

Xét về tình hình kinh tế nói chung, 55% người tiêu dùng Việt Nam (giảm 2% so với tháng 10) nhận định tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 12 tháng tới. Trong khi đó, chỉ có 9% số người (giảm 1%) dự đoán tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái xấu” - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2015.

Xét về dài hạn, 59% số người tiêu dùng (giảm 5% so với tháng 10) kỳ vọng rằng tình hình tài chính Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” trong 5 năm tới. Trong khi đó, chỉ 4% số người (giảm 1%) cho rằng tình hình kinh tế sẽ ở “trạng thái xấu” - mức thấp nhất từ trước đến nay.

Cuối cùng, 42% số người được khảo sát (tăng 2% so với tháng 10) tin rằng “đây là thời điểm tốt” để mua các vật dụng chính trong gia đình. Trong khi đó, 8% số người (giảm 3%) cho rằng “đây là thời điểm xấu” - tỷ lệ thấp nhất ghi nhận được cho câu trả lời này kể từ tháng 11/2014.

Theo ông Glenn Maguire, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Nam Á-Đông Nam Á-Thái Bình Dương của ANZ, chỉ số CCI tiếp tục tăng cho thấy thị trường nội địa không bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm thương mại trong khu vực và trên thế giới.

Khả năng miễn dịch và phục hồi của kinh tế Việt Nam trước cuộc suy thoái thương mại trong khu vực được thể hiện rõ với việc chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI ) quay lên trên mức 50 điểm trong tháng 10 và các số liệu kinh tế vĩ mô nhìn chung là ổn định.

“Những nhận định lạc quan về tình hình tài chính cá nhân trong năm tới và mức độ sẵn sàng mua các vật dụng chính của các hộ gia đình cho thấy điều kiện thu nhập trong nước của nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện,” ông Glenn đánh giá.

Như vậy, sau khi giảm trong tháng 7 và đặc biệt là tháng 8 do lo ngại về việc Trung Quốc bất ngờ phá giá đồng Nhân dân tệ, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã tăng trở lại trong 3 tháng qua.

Trong tháng 9, ANZ cho biết chỉ số CCI tăng nhờ người tiêu dùng trở nên lạc quan hơn vào triển vọng nền kinh tế trong thời gian tới. Còn trong tháng 10, ngân hàng này cho biết người tiêu dùng không chỉ lạc quan về viễn cảnh kinh tế, mà còn kỳ vọng vào sự cải thiện của tình hình tài chính cá nhân.

 

 

Khảo sát niềm tin người tiêu dùng Việt Nam - được ANZ phối hợp với tập đoàn nghiên cứu thị trường Roy Morgan thực hiện - đánh giá diễn biến của phân khúc tiêu dùng đang phát triển mạnh của Việt Nam khi chi tiêu cá nhân đang ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng và ổn định góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

 

 

 

Nguồn: NDH