Nghị quyết 19 đặt mục tiêu giảm thời gian cấp phép xây dựng (theo phương pháp của Ngân hàng thế giới) xuống còn 77 ngày (hiện nay là 114 ngày). Đây là nhiệm vụ được giao cho Bộ Xây dựng chủ trì.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 19 của Bộ Xây dựng, và Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng chưa bám sát yêu cầu của Nghị quyết 19, chưa theo cách tiếp cận của Ngân hàng thế giới. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo phản ánh của một số địa phương, thực tế xin cấp phép xây dựng (nếu tính theo phương pháp của Ngân hàng thế giới) ở nước ta tốn nhiều thời gian hơn so với 114 ngày như Ngân hàng thế giới đánh giá. 

Đáng chú ý, một số văn bản chính sách vừa ban hành mới đây như Nghị định số 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng chưa theo tinh thần cải cách của Nghị quyết 19, do đó đang làm tăng thêm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và gây khó khăn cho cơ quan cấp phép xây dựng.

Về Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại thông qua tòa án, Nghị quyết 19 đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xuống còn tối đa 200 ngày. Chỉ số này liên quan tới cả cơ quan tư pháp (Toà án) và cơ quan hành pháp (cơ quan thi hành án). Cho đến nay, chưa có thông tin cụ thể về mức độ cải thiện đối với chỉ số này. Tuy nhiên, nhìn chung thời gian Giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết.

Giải quyết phá sản doanh nghiệp cũng không có điểm sáng. Nghị quyết 19 xác định mục tiêu đơn giản hóa thủ tục, quy trình và rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp xuống còn 30 tháng đến hết năm 2015 và 24 tháng đến hết năm 2016.

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp ở nước ta kéo dài tới 5 năm. 

"Mặc dù Luật Phá sản 2014 là một đạo luật tiến bộ, với nhiều nội dung đổi mới, đã có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2015, tuy nhiên, trên thực tế chưa ghi nhận sự cải thiện trong thủ tục và thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp" - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá. 

Nguyên nhân là do, Luật Phá sản 2014 đã có hiệu lực nhưng chưa được triển khai trên thực tế. 

Cho đến nay, sau hơn 1 năm ban hành Luật Phá sản 2014, vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn, do đó các tòa án lúng túng không dám nhận hồ sơ giải quyết thủ tục phá sản. 

Cũng có trường hợp tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc phá sản vì chưa có quản tài viên và các hướng dẫn thực thi Luật Phá sản 2014. Trên thực tế, chỉ có một số ít địa phương có kế hoạch triển khai Luật Phá sản 2014, bao gồm phát triển đội ngũ quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản… 

Hơn nữa, công tác tập huấn về Luật phá sản còn hạn chế. Sau gần 3 tháng Luật phá sản 2014 có hiệu lực, mởi chỉ có các tòa án nhân dân (TAND) cấp tỉnh, gồm thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế và Cần Thơ được tập huấn, song chủ yếu là giới thiệu quy định mới của Luật.

Phạm Hà Nam