10 vấn đề nổi cộm

Theo ông Đạt, ngành du lịch có tiềm năng nhưng vẫn phát triển chưa tương xứng và vẫn nằm trong ngưỡng “dễ tụt hậu” so với các nước trong khu vực.

Nguyên nhân của tình trạng này là do vẫn tồn tại 10 vấn đề nổi cộm. Cụ thể, thứ nhất, tệ nạn đeo bám, chèo kéo, gian lận, ép giá, lừa đảo, xâm phạm tài sản, tính mạng của du khách chưa được kiểm soát; các phương tiện giao thông chưa được quản lý chặt. Thứ hai, cảnh quan, quy hoạch du lịch bị phá vỡ. Thứ ba, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Thứ tư, quảng bá du lịch nhiều hạn chế. Thứ năm, chính sách visa cho khách du lịch nước ngoài thắt chặt nhất so với khu vực và thế giới. Thứ sáu, phát triển về lượng hơn chất. Thứ bảy, du khách Việt kém văn minh, vi phạm luật pháp quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch và hình ảnh con người, đất nước. Thứ tám, hướng dẫn viên còn yếu và thiếu. Thứ chín, một số công ty du lịch kinh doanh chộp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu liên kết. Và cuối cùng, quản lý Nhà nước về du lịch còn yếu.

Để ngành du lịch Việt phát triển bền vững trong thời gian tới, ông Đạt cho rằng cần sự vào cuộc của các ban ngành, địa phương trong vấn đề này. Trong đó về phương diện Nhà nước, có thể tác động vào du lịch theo 4 mặt: Định hướng, chính sách, thực thi và giám sát.

“Theo tôi, việc định hướng và chính sách về du lịch đã khá đúng và đầy đủ, song việc thực thi và giám sát chưa tốt. Trong quyết định của các cấp Trung ương và địa phương còn nặng về thỏa hiệp với các nhân tố gây phá hủy môi trường và sự phát triển bền vững của du lịch. Do vậy, trong Luật Du lịch sửa đổi và các văn bản dưới luật, cần chú trọng vào những nội dung để có thể cải thiện những điểm yếu này” – ông Đạt kiến nghị.

Tăng quyền cho thanh tra du lịch

Góp ý vào Dự thảo lần 2 Luật Du lịch (sửa đổi), Phó Giám đốc Công ty Du lịch Transviet cho rằng, trong Dự thảo lần 2 nên tăng quyền cho thanh tra du lịch. Ở một số địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng… nên thí điểm mô hình cảnh sát du lịch nhằm góp phần giải quyết các tồn tại.

Trong bối cảnh lực lượng thanh tra du lịch còn thiếu, cần bổ sung nghĩa vụ của khách du lịch như: Có trách nhiệm ứng xử văn minh và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; thực hiện các quy định, cảnh báo về an toàn du lịch; khách đi du lịch nước ngoài không được trốn ở lại bất hợp pháp tại nước ngoài; khách du lịch tới Việt Nam không được trốn ở lại bất hợp pháp tại Việt Nam; nếu khách du lịch vi phạm sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, vấn đề quản lý khu du lịch cần bổ sung địa bàn (khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch trọng điểm du lịch) có lượng khách du lịch trên 1 triệu người/năm cần thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Đối với công ty kinh doanh lữ hành, ông Đạt cho rằng nên bổ sung điều khoản: Nếu công ty du lịch không phổ biến để khách thực hiện văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch dẫn tới hậu quả nghiêm trọng thì công ty cũng bị phạt.

“Trong dự luật mới có thay đổi điều kiện cấp thẻ hướng dẫn nội địa và quốc tế theo hướng đơn giản hơn. Tuy nhiên, cũng không nên buông lỏng việc đào tạo và cấp thẻ hướng dẫn viên vì chất lượng hướng dẫn viên hiện đang ở mức thấp. Trong khi, hướng dẫn viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng hành vi của khách, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến du khách”. – ông Đạt nhấn mạnh.

Nguồn: Hồ Hường/Báo Diễn đàn Doanh nghiệp