Chính phủ Anh sẽ làm việc khẩn trương để đạt được một thỏa thuận trước thời hạn 29/3/2019, đúng 2 năm sau khi Thủ tướng Theresa May kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon nhằm chính thức khổi động tiến trình Brexit.
Tuy nhiên, tiến trình này đã diễn ra rất chậm chạp với ít thành tựu trong 3 tháng đầu tiên. Đó là bởi vì kết quả của cuộc tổng tuyển cử sớm được tổ chức tại Anh vào ngày 8/6, đã dẫn tới một quốc hội “treo” (hung parliament), nơi đảng Bảo thủ cầm quyền mất đa số. Điều này được cho là cản trở bà May đẩy mạnh bất kỳ kế hoạch "Brexit cứng" nào vì quốc hội Anh hậu bầu cử sẽ khó chấp nhận điều này.
Đồng hồ vạch ra lộ trình Brexit dành cho nước Anh, mốc đầu tiên là khi Anh chính thức kích hoạt điều 50 hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017. Ảnh: Market Watch/SocGen.
Brian Hilliard, kinh tế gia trưởng của Société Générale, nói trong một ghi chú rằng: "Kết quả bầu cử Anh ngày 8/6 đã làm dấy lên hy vọng rằng chính phủ Anh sẽ đánh giá lại các ưu tiên đàm phán, và có thể có ảnh hưởng lớn đến kết quả đàm phán.”
"Chúng tôi nghiên cứu 5 kịch bản Brexit có thể xảy ra, nhưng thật đáng buồn, kết luận của chúng tôi vẫn cho thấy rằng Vương quốc Anh có thể sẽ phải đối mặt với một sự suy giảm đáng kể trong quyền tiếp cận thị trường EU sau Brexit", ông nói thêm.
Đây là 5 kịch bản theo Société Générale (SocGen):
1. Brexit cứng - xác suất 70%
Theo kịch bản này, chính phủ Anh đồng ý kiểm soát toàn bộ chính sách nhập cư, điều sẽ khiến Anh gần như chắc chắn mất quyền tiếp cận thị trường chung EU. Brussels đã nói rõ rằng nước Anh không thể có được những lợi ích của thị trường chung nếu không mở cửa cho tự do di dân.
SocGen chỉ ra rằng cả 2 đảng chính của Anh là Đảng Bảo thủ và Công Đảng (giành tổng cộng 82% số phiếu trong cuộc tổng tuyển cử) đều đề xuất việc kiểm soát nhập cư trong cương lĩnh tranh cử của họ. Điều này làm cho giới phân tích tin rằng rất có thể chính phủ sẽ ưu tiên điều này trong đàm phán. Hilliard nói rằng đây là kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất.
2. Brexit mềm - xác suất 15%
Tuy nhiên, đã xuất hiện những lời kêu gọi đảm bảo quyền tiếp cận thị trường chung EU, để giúp các doanh nghiệp Anh bán các dịch vụ và sản phẩm của họ một cách dễ dàng và không chịu thuế sang các nước EU khác – nơi hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Vương quốc Anh.
Điều đó có thể dẫn đến một mô hình theo kiểu Na Uy, trong đó Anh sẽ vẫn là thành viên của Khu vực Kinh tế Châu Âu (EEA) và duy trì các mối quan hệ thương mại với EU (nhưng không có liên hệ về chính trị).
Hilliard nói: "Đây sẽ là một mô hình khó được Quốc hội Anh và các cử tri chấp nhận ,bởi vì nó đòi hỏi Anh phải tuân thủ với điều khoản về với 4 quyền tự do (trong đó có quyền đi lại và cư trú tự do), cũng như tiếp tục đóng góp cho ngân sách EU.
3. Kịch bản bế tắc (cliff edge) — xác suất 10%
Bà May đã nhiều lần nói: "Thà không có thỏa thuận nào còn hơn là một thỏa thuận tồi". Điều này mở ra khả năng Anh rời EU vào ngày 29/3/2019 mà không đạt được thoả thuận nào về thương mại, nhập cư và an ninh quốc phòng, nếu hai bên vẫn còn những bất đồng sâu sắc.
Theo SocGen, sự mạnh miệng của bà May đã giảm đi đôi chút sau cuộc tổng tuyển cử thất bại, nhưng kịch bản "không có thỏa thuận nào" vẫn là một nguy cơ thực sự.
"Ngay cả bây giờ, chúng tôi vẫn không nghĩ rằng chính phủ Vương quốc Anh đánh giá đúng mức là họ đang ở thế yếu tới mức nào, và hậu quả từ việc không đạt được thỏa thuận sẽ tới đâu. Đó là lý do tại sao, thậm chí sau khi đón nhận thực tế từ cuộc tổng tuyển cử, vẫn còn nguy cơ là các nhà thương thuyết của Anh không thấu hiểu đầy đủ về thế bất lợi của họ trong cuộc đàm phán này ", ông Hilliard nói.
4. Brexit không xảy ra — xác suất 4%
Đây có thể là một viễn cảnh không khả thi, nhưng cũng có thể có trường hợp là nước Anh sẽ rất sửng sốt về những hậu quả thực sự của việc rời EU và nhận ra rằng sẽ tốt hơn nếu ở lại trong liên minh này, SocGen nói.
Điều đó có nghĩa là có khả năng Quốc hội Anh sẽ bác bỏ thỏa thuận đạt được sau khi đàm phán, khiến chính phủ nước này thông báo cho EU rằng nước Anh không còn muốn rời đi. Điều này cũng có nghĩa là một cuộc trưng cầu dân ý nữa có thể sẽ xảy ra.
5. Một cuộc trưng cầu dân ý mới — xác suất 1%
Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ sẽ lại tổ chức một cuộc trưng cầu nữa về thỏa thuận sau cùng với EU, và người dân Anh phủ quyết thỏa thuận này?
Theo SocGen, trong trường hợp đó các nhà đàm phán của Anh có nhiệm vụ duy trì các cuộc thương thảo, và nếu các bên không đạt được thỏa thuận trước thời hạn 2019, thì mọi thứ lại quay về kịch bản 3: "Không có thỏa thuận".
Nguồn: Nhipcaudautu.vn