Anh
Vào cuối tháng Một năm nay, Anh đã xác nhận hai trường hợp nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đầu tiên của nước này. Đến ngày 5/3, ca tử vong đầu tiên do Covid-19 ở Anh được ghi nhận. Những ngày sau đó, số người nhiễm virus corona ngày càng tăng khiến thủ tướng Boris Johnson phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, yêu cầu người dân Anh phải thực hiện giãn cách xã hội trong vòng ba tuần, kể từ tối 23/3.
Ngày 11/3, Anh công bố gói kích thích kinh tế trị giá 39 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh cho biết gói kích thích này sẽ nhằm hỗ trợ thị trường lao động, các doanh nghiệp và hệ thống y tế trước sức ép của dịch Covid-19. Đây được xem là gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất tại Anh trong vòng gần 30 năm qua. Chính phủ Anh cũng cam kết các tác động của dịch Covid-19 lên nền kinh tế chỉ là tạm thời. Động thái này được đưa ra ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cắt giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục.
Ngày 17/3, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunack cũng đã công bố gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp Anh vay trị giá 330 tỷ bảng nhằm thúc đẩy kinh tế Anh trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng ở nước này. Ông Rishi Sunack khẳng định, nếu cần thiết, chính phủ sẽ bổ sung và cam kết làm "bất cứ điều gì" để giúp các công ty và người dân có đủ khả năng tài chính duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất của mình, chi trả lương cho nhân viên...
Thuế đối với bất động sản cho kinh doanh thương mại được miễn trong năm nay cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, vui chơi giải trí và du lịch. Các cửa hàng, quán xá, nhà hát, nhà hàng ăn sẽ không phải trả lãi suất vay ngân hàng trong 12 tháng, hay những người đang gặp tài chính khó khăn do Covid-19 được miễn trả lãi suất của khoản vay trả góp trong 3 tháng. Ngoài ra, gói hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá 25.000 bảng cho các công ty trong thời kỳ kinh doanh sản xuất gián đoạn khó khăn cũng được đưa ra. Cũng theo Bộ trưởng Sunack, ông sẽ đưa ra những bước cụ thể thêm trong những ngày tới và gặp gỡ với các tổ chức doanh nghiệp và nghiệp đoàn để đưa ra hình thức giúp đỡ nhằm bảo vệ việc làm và thu nhập cho người lao động.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 19/3 cắt giảm lãi suất từ 0,25% xuống còn 0,1%, đồng thời tăng cường thu mua trái phiếu nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong thông báo của mình, BoE dự báo dịch Covid-19 sẽ dẫn tới cú sốc kinh tế "lớn và đột ngột". BoE cũng sẽ mua thêm 200 tỷ bảng trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Chỉ một tuần trước đó, BOE đã cắt giảm lãi suất 0,5%, xuống mức 0,25% nhằm thúc đẩy nền kinh tế - lần đầu tiên kể từ tháng 8/2016 BOE quyết định giảm lãi suất.
Ngay Trong ngày đầu tiên nhậm chức, Thống đốc Ngân hàng Anh - Andrew Bailey cam kết sẽ hành động nhanh chóng, bất cứ khi nào cần thiết để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế từ đại dịch coronavirus. Nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang phải đối mặt với các tác động tiêu cực của Covid-19, Anh đã có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trị giá 30 tỷ bảng Anh (khoảng 39 tỷ USD).
Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo việc tăng cường chi tiêu này là một phần của kế hoạch đầu tư lớn hơn trong 5 năm dựa trên nguồn vốn vay. Các chuyên gia đánh giá đây là kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lớn nhất của Anh kể từ năm 1992.
Theo ông Sunak, khoảng 20% dân số trong độ tuổi lao động ở Anh có thể thất nghiệp bất kỳ lúc nào và các chuỗi cung ứng kinh doanh đã đình trệ trên phạm vi toàn cầu. Để giảm bớt khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp, Chính phủ Anh sẽ hoãn thu thuế đối với các công ty nhỏ và hỗ trợ chi trả chi phí y tế cho người lao động.
Chi phí hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp và cá nhân dự kiến sẽ vào khoảng 7 tỷ bảng, trong khi 5 tỷ bảng được dành cho các dịch vụ y tế và những hoạt động khác nhằm ngăn chặn sự lan rộng của dịch Covid-19. Ngoài ra, Anh sẽ dành 18 tỷ bảng cho các biện pháp hỗ trợ kinh tế bổ sung.
Ngày 6/4, Liên minh Châu Âu (EU) thông qua kế hoạch trị giá 50 tỷ bảng Anh (tương đương 61,5 tỷ USD) của nước Anh nhằm bảo vệ các doanh nghiệp tư nhân trước tác động của dịch Covid-19. Anh đã rời khỏi EU vào cuối tháng Một vừa qua, nhưng luật pháp của EU vẫn được áp dụng với “xứ sở sương mù” cho đến cuối thời kỳ chuyển tiếp hậu Brexit, và thường sẽ hạn chế các khoản trợ cấp của chính phủ.
Đức
Thủ tướng Angela Merkel ngày 11/3 cam kết sẽ làm mọi thứ có thể để khống chế cuộc khủng hoảng do virus corona gây ra, thậm chí phát tín hiệu rằng bà sẵn sàng từ bỏ chuyện phải giữ cho ngân sách cân bằng. Theo bà, chấm dứt dịch bệnh giờ là ưu tiên hàng đầu.
Chính phủ Đức ngày 13/3 đã quyết định tung gói kích thích kinh tế trị giá 550 tỷ euro - lớn nhất từ sau thế chiến tới nay - để hỗ trợ các doanh nghiệp, cung cấp tín dụng "không có giới hạn" để tiếp sức cho hoạt động kinh doanh. Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz cho biết: "Sẽ không có mức trần đối với những khoản vay được cung cấp bởi ngân hàng đầu tư quốc doanh KfW, đó là thông điệp quan trọng nhất"; còn Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier nói rằng gói kích thích trị giá 614 tỷ USD chỉ là khởi đầu. "Chúng tôi hứa rằng chúng ta sẽ không thất bại vì thiếu tiền hay quyết tâm chính trị. Chúng tôi sẽ "nạp đạn" nếu cần thiết". Các bộ trưởng cũng khẳng định Berlin có đủ nguồn vốn để bước vào "1 cuộc chiến kéo dài". Dù chỉ đang ở giai đoạn 1 nhưng gói kích thích lần này đã lớn hơn cả gói cứu trợ 500 tỷ euro mà Đức tung ra trong khủng hoảng tài chính 2008.
Song song với đó, Đức đang đưa ra một loạt chính sách mới để cho phép tăng số lượng những người lao động bị buộc phải làm việc ít hơn vẫn được nhận trợ cấp. Chính phủ của bà Merkel cũng đã đồng ý tăng đầu tư thêm 3,1 tỷ euro mỗi năm giai đoạn 2021 - 2024. Tổng số 12,4 tỷ USD vốn đầu tư tăng thêm sẽ hoàn toàn được tài trợ bằng thặng dư ngân sách của năm 2019.

Ngày 25/3, Hạ viện Đức phê chuẩn gói cứu trợ dịch Covid-19. Ngày 27/3, Thượng viện Đức đã thông qua gói cứu trợ này, mở đường cho việc giải ngân 1.100 tỷ euro (khoảng 1.200 tỷ USD) hỗ trợ nền kinh tế đang lâm vào khủng hoảng. Gói cứu trợ nhằm phân bổ để cung cấp các khoản vay mới cho các doanh nghiệp và hỗ trợ hệ thống y tế, cũng như đảm bảo các khoản vay ngân hàng cho các công ty.

Chính phủ Đức có kế hoạch xây dựng một quỹ bình ổn kinh tế, trong đó chi 400 tỷ euro để đảm bảo các khoản nợ của các công ty, 100 tỷ euro cho vay hoặc mua cổ phần trong các công ty và 100 tỷ euro hỗ trợ ngân hàng đầu tư nhà nước KfW. Với việc được "bơm" thêm 357 tỷ euro, trong tương lai, KfW có thể đảm bảo cung cấp tổng các khoản vay lên tới 822 tỷ euro.

Chính phủ Đức có kế hoạch phân bổ 58,5 tỷ euro cho hệ thống y tế, trong đó 3,5 tỷ euro chi cho hoạt động nghiên cứu và trang thiết bị bảo hộ, và số còn lại chi cho những thứ cần thiết khác. Chính phủ Đức dự đoán đại dịch lần này sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Bỉ
Chính phủ Bỉ ngày 20/3 quyết định sẽ cấp 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) để hỗ trợ các bệnh viện xử lý cuộc khủng hoảng virus SARS-CoV-2 phòng nguy cơ tình hình có thể xấu đi nghiêm trọng trong vài ngày tới. Thủ tướng Bỉ khẳng định ưu tiên hàng đầu hiện nay là đảm bảo các biện pháp chăm sóc y tế, song Brussels cũng sẽ phải vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế.
Một quan chức cấp cao của Bỉ ước tính các biện pháp hỗ trợ kinh tế khẩn cấp trong thời kỳ dịch bệnh sẽ khiến kinh tế tổn thất 10 tỷ euro. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Bỉ, tính đến thời điểm hiện nay, nước này ghi nhận tổng cộng 2.257 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 37 ca tử vong. Người phát ngôn bộ trên cảnh báo tình hình dịch bệnh sẽ nghiêm trọng hơn trong vài ngày tới do số bệnh nhân nhập viện sẽ tiếp tục tăng . Hiện Bỉ là một trong những nước châu Âu tuyên bố phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Italy
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 28/3 thông báo đã thông qua gói biện pháp mới có trị giá 4,7 tỷ euro (5,24 tỷ USD) nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ông Conte nêu rõ, chính phủ sẽ dành 4,3 tỷ euro cho chính quyền các thành phố đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và dành một quỹ đặc biệt 400 triệu euro cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn. Nhằm ngăn dịch bệnh tiếp tục lây lan, Bộ trưởng Giáo dục Italy Lucia Azzolina cho biết quyết định đóng cửa các trường học, bắt đầu từ ngày 5/3 vừa qua, sẽ được gia hạn đến hết ngày 3/4 tới.
Maldives
Chính phủ nước này đầu tháng 3/2020 đã dành 13 triệu USD trong ngân sách để hỗ trợ các biện pháp phòng ngừa được áp dụng trong 30 ngày áp đặt tình trạng y tế khẩn cấp do dịch COVID-19. Nước này cũng chuẩn bị 6.000 bộ xét nghiệm Covid-19.
 

Nguồn: VITIC tổng hợp