Số ca nhiễm virus corona chủng mới, nguyên nhân gây dịch viêm hô hấp cấp (COVID-19) tại Ý đã là 5.883 ca trong ngày 7/3, tăng hơn 1.200 ca trong vòng 1 ngày. Hàn Quốc hơn 7.300 ca nhiễm, 50 ca tử vong.

Tính đến sáng 8/3, Hàn Quốc ghi nhận 7.134 ca nhiễm (tăng 93 ca so với một ngày trước đó), trong đó 50 ca tử vong. Trường hợp tử vong mới nhất là bệnh nhân nữ 78 tuổi, sống ở Daegu, bà từng nhập viện vì mắc bệnh tim và bệnh gút.

Hãng tin Yonhap cho biết số ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục tăng nhưng tỉ lệ tăng đang ở mức thấp nhất trong 10 ngày qua, được xem là dấu hiệu cho thấy diễn biến dịch bệnh đang chậm lại.

Iran thêm 49 ca tử vong, thêm nhiều nước có ca nhiễm mới.

Trung Quốc tính đến hết ngày 8/3 ghi nhận 22 trường hợp tử vong và 40 ca nhiễm mới trên địa bàn Trung Quốc đại lục. Trong số 22 ca tử vong, 21 trường hợp xảy ra ở tỉnh Hồ Bắc (18 ca ở tâm dịch Vũ Hán), và trường hợp còn lại ở Quảng Đông. Như vậy, tính đến sáng 9/3, Trung Quốc đại lục đã xuất hiện 80.735 người mắc virus Corona, trong đó 3.119 người chết và 58.600 trường hợp khỏi bệnh và xuất viện.

Số ca tử vong ở Thụy Sĩ tăng lên 2 sau khi một bệnh nhân ở bang Basel-Land thiệt mạng. Tính đến ngày 8-3, Thụy Sĩ đã có 281 ca nhiễm.

Hà Lan cũng có thêm ca tử vong, nâng tổng số ca lên 3. Nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên hôm 6-3. Số ca nhiễm của Hà Lan cũng tăng vọt lên 265 ca trong ngày 8-3 so với 188 ca của ngày trước đó.

Bộ Y tế Iran chiều 8-3, giờ Việt Nam, thông báo số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã tăng lên 194 ca sau khi có thêm 49 người tử vong. Tổng số ca nhiễm tại Iran đến nay là 6.566 ca, theo Reuters.

Bangladesh ghi nhận ba ca nhiễm đầu tiên. Theo Viện nghiên cứu và kiểm soát dịch bệnh, dịch tễ Bangladesh, những người bị nhiễm ở độ tuổi 20 đến 35, trong đó hai người vừa đi du lịch Ý về.

Saudi Arabia ghi nhận thêm bốn ca nhiễm, nâng tổng số ca ở nước này lên 11. Trong số ca ca nhiễm mới có ba phụ nữ đã tiếp xúc với một người bị nhiễm sau khi trở về từ Iran nhưng không khai báo chi tiết với chính quyền.

Tây Ban Nha cũng có thêm 159 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ, nâng tổng số ca đến ngày 8-3 là 589. Số ca tử vong tăng từ 10 lên 13. Tuy nhiên, các quan chức nước này khẳng định chưa xảy ra tình huống lây lan mất kiểm soát.

Bộ Y tế Paraguay xác nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại nước này là một công dân Paraguay, 32 tuổi. Người này đã từ Ecuador về Asuncion vào ngày 3-3 vừa qua. Bệnh nhân trong tình trạng sức khỏe tốt và nhà chức trách đang giám sát những người từng tiếp xúc với bệnh nhân. Nhà chức trách cũng đang theo dõi 70 người khác vừa trở về từ nước ngoài.

Bộ Y tế Moldova ngày 8-3 cho biết quốc gia Đông Âu này vừa ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên. Bệnh nhân là một phụ nữ 48 tuổi, gần đây có đến Ý. Người này bị viêm phổi, sốt, ho, gặp vấn đề về hô hấp khi nhập viện.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khuyến cáo các đơn vị tổ chức sự kiện hủy tất cả những sự kiện tụ tập trên 1.000 người. Dù nhiều sự kiện lớn tại Đức đã bị hủy bỏ, ông Jens Spahn cho biết các nhà tổ chức khác vẫn đang phản ứng chậm chạp.

“Mọi chuyện đang diễn biến nhanh chóng, chúng ta phải thay đổi nhanh” - ông nhấn mạnh. Đức hiện đã có gần 850 ca nhiễm.

Hi Lạp ngày 7/3 tuyên bố thêm 21 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 66. Bộ Y tế Hy Lạp cho biết đa số các trường hợp vừa ghi nhận thêm đến từ một đoàn hành hương qua Israel và Ai Cập đã trở về nước từ 27/2. Hy Lạp cũng thông báo hạn chế việc tụ tập nơi công cộng, đồng thời yêu cầu các sự kiện thể thao phải tổ chức trong nhà, các chuyến dã ngoại của học sinh cũng bị cấm trong hai tuần.

Bộ Y tế Anh ngày 8-3 xác nhận đã có 273 ca nhiễm COVID-19, tăng so với 209 ca của ngày trước đó. Hai người ở nước này đã thiệt mạng.

Singapore ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm lên 150.

Thủ đô Matxcơva của Nga cảnh báo những người trở về từ các quốc gia có dịch COVID-19 nếu không tuân thủ quy định tự cách ly tại nhà 14 ngày sẽ đối mặt với hình phạt nặng, bao gồm án tù lên đến 5 năm. Chính quyền sẽ giám sát việc các ly thông qua máy quay CCTV.

Những người chịu cách ly tại nhà có thể dắt chó đi dạo vào những thời điểm đường phố vắng người và phải mang khẩu trang, theo Reuters.

Bộ trưởng Y tế Malaysia, Noor Hisham Abdullah, cho biết đã đưa ra quyết định trên sau khi tham vấn với các bộ, ban, ngành liên quan. Đây là một quyết định khó khăn vì ngành công nghiệp du lịch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của Malaysia.

Sau khi số ca nhiễm COVID-19 tăng lên 11, Saudi Arabia tuyên bố sẽ tạm thời cách ly cả tỉnh Qatif ở miền đông để ngăn chặn dịch lan rộng. Tất cả ca nhiễm của Saudi Arabia đều được ghi nhận tại tỉnh này.

Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Nội vụ Saudi Arabia cho biết không ai được ra vào tỉnh Qatif, một khu vực sản xuất dầu của nước này, và mọi hoạt động trong lĩnh vực công và tư tại khu vực ngày cũng phải tạm ngừng, ngoại trừ những dịch vụ thiết yếu. Các sản phẩm thương mại sẽ được phép chuyển vào Qatif.

Tại Hong Kong, các cơ quan y tế Hong Kong ngày 8/3 thông báo số ca tử vong tại đặc khu tăng lên 3 sau khi một cụ bà 76 tuổi tử vong. Đặc khu này ghi nhận thêm bốn ca nhiễm mới trong ngày 8-3, nâng tổng số ca nhiễm lên 114.

Trong khi đó Bộ Y tế Argentina cũng thông báo 1 bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới đã qua đời hôm 7/3. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên của Argentina và Mỹ Latinh liên quan đến COVID-19.

Tại Bulgaria, nhà chức trách vừa xác nhận 2 trường hợp dương tính với virus corona chủng mới. Cả hai đều không đi du lịch nước ngoài hoặc tiếp xúc với người trở về từ những nước có dịch COVID-19. Khoảng 40 người tiếp xúc với bệnh nhân đã được cho xét nghiệm.

Số ca nhiễm tại Anh đã tăng từ 163 lên 209 trong ngày 7-3, trong khi số ca tử vong không tăng thêm, theo Cơ quan Y tế Anh.

Tính đến 18h ngày 8/3/2020, Việt Nam có thêm 8 ca nhiễm mới đều là hành khách trên chuyến bay số hiệu VN0054 của VietNam Airlines, hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sáng 2/3. Trong đó 8 người đều là du khách nước ngoài đến Việt Nam du lịch: 4 người ở Quảng Ninh, 2 người ở Lào Cai và 2 người ở Đà Nẵng; 8 người gồm 7 người quốc tịch Anh và 1 người Ireland hiện đang được cách ly và điều trị.

Chính phủ và Bộ Công Thương triển khai quyết liệt các giải pháp, đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn Hà Nội

Đêm 06/3/2020, UBND Thành phố Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố, hiện có 01 người đi từ nước ngoài về có xét nghiệm dương tính với Covid-19, đã và đang được điều trị, cách ly tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cùng cả gia đình và người thân.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn thành phố Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương Thành phố Hà Nội, bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.