Cuối tuần trước, thị trường đã đón mừng thông tin Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đề nghị gặp gỡ các quan chức Bắc Kinh nhằm đi tới đàm phán và tránh một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhưng đầu tuần này Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những động thái tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc khi thông báo ông sẽ áp mức thuế 10% lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào ngày 24/9, và sau đó tăng lên 25% vào đầu năm 2019.
Diễn biến này đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ, vốn đã ở quanh vùng âm trong hầu hết phiên, giảm xuống sâu hơn nữa. Trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này giảm 0,4%, xuống 26.062,12 điểm.
Chỉ số S&P 500 cũng để mất 0,6% xuống 2.888,8 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm tới 1,4% và khép phiên ở mức 7.895,79 điểm.
Tuy nhiên, theo chiến lược gia toàn cầu Kerry Craig của công ty tư vấn đầu tư JP Morgan Asset Management, ít nhất thị trường có thể lạc quan một chút rằng mức thuế của Washington hiện thời chỉ 10% thay vì 25% như lo ngại trước đó.
Trên thị trường tiền tệ, đồng USD yếu đi so với đồng euro cũng như các đồng tiền chủ chốt khác sau những động thái thuế quan của Mỹ, trong khi những số liệu mới về chi tiêu tiêu dùng và lạm phát của nước này không được lạc quan như mong đợi.
Phiên này, đồng USD giao dịch ở mức 1,1685 USD đổi 1 euro, giảm so với mức 1,1625 USD/euro hồi phiên 14/9 trước đó.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng không mấy khởi sắc trong phiên 17/9.
Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) gần như không đổi ở mức 7.302,1 điểm. Chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) giảm 0,2% xuống 12.096,41 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,1% xuống 5.348,87 điểm.
Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 phiên này cũng không có biến động gì lớn và đóng cửa ở mức 3.346,11 điểm.
Nguồn: H. Thủy (Theo AFP)/Bnews.vn, TTXVN