Thay vào đó, sự gia tăng chi phí vay mượn đối với doanh nghiệp, người mua nhà và cả chính phủ có thể gây thêm áp lực lên tăng trưởng kinh tế.
Các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tháng qua, giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần lên tiếng chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tốc độ tăng lãi suất, làm gia tăng lo ngại về sự độc lập của thể chế tài chính này.
Tháng trước, Fed đã tăng lãi suất trong ngắn hạn lần thứ ba trong năm nay. Dự kiến, cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trước cuối năm nay.
Ngày 11/10, Tổng thống Trump tiếp tục đổ lỗi cho Fed đã mất kiểm soát và quá nghiêm ngặt. Đây là lần thứ hai trong vòng 24 giờ, Tổng thống Trump lên tiếng chỉ trích Fed vì đã tăng lãi suất quá nhanh, khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc.
Trước đó, ông Trump công khai tuyên bố việc Fed tăng lãi suất là nguyên nhân gây ra hỗn loạn trên thị trường chứng khoán, khiến chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên 10/10 giảm 831 điểm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2018 và sang phiên 11/10 lại tiếp tục để mất 546 điểm.
Trong khi đó, một số nhà kinh tế cho rằng các đợt tăng lãi suất của Fed thời gian gần đây là “phản ứng tự nhiên” trước đà phục hồi của nền kinh tế. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 3,7%, mức thấp kỷ lục trong 49 năm. Hầu hết các nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay, so với mức 2,3% cách đây một năm.
Nhà kinh tế Carl Tannenbaum, thuộc Northern Trust, nhận định việc tăng lãi suất cao hơn không phải là một đe dọa mà nên coi là một tín hiệu về đà tăng trưởng của nền kinh tế. Theo nhà kinh tế này, điểm khác biệt lớn giữa thời điểm hiện nay và cách đây một năm là chương trình cải cách thuế.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cảnh báo thâm hụt ngân sách của Mỹ tiếp tục tăng do chương trình cải cách thuế. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 3,16% so với mức 2,46% hồi đầu năm 2018.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng cao hơn có thể “gây tổn thương” cho thị trường chứng khoán và người mua nhà khi lãi suất tăng lãi cao hơn.
Nếu tỷ lệ lãi suất tăng quá nhanh, tình trạng suy thoái có thể xảy ra, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng vật lộn để trả nợ. Dù vậy, đến nay, hầu hết các nhà kinh tế vẫn chưa dự báo về đợt suy thoái nào trong tương lai gần.
Nguồn: Trà My (Tổng hợp)/Bnews, TTXVN