Công nghiệp xây dựng, dịch vụ khởi sắc, nông nghiệp khó khăn

Phân tích các yếu tố đóng góp tăng trưởng, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,72%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,13%, đóng góp 2,48 điểm phần trăm; riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 1,23%, làm giảm 0,16 điểm phần trăm.

Số liệu trên cho thấy, khu vực dịch vụ đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực dịch vụ có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ tăng 7,52%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,99%; vận tải, kho bãi tăng 5,56%; thông tin và truyền thông tăng 8,21%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 4,75%;

Đáng chú ý, hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,43%, là mức tăng cao nhất trong 5 năm gần đây (năm 2012 tăng 0,75%; năm 2013 tăng 1,73%; năm 2014 tăng 2,38%; năm 2015 tăng 2,55%.).

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 6,2%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,27% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 1,2%, trong khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 7,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia cho biết, lĩnh vực chế biến chế tạo tăng nhưng không mạnh là do một số ngành dệt may dầy da, đúc sẵn, nguyên nhân chủ yếu giảm là gia công phụ thuộc vào đơn đặt hàng và nguồn nhiên liệu nhập khẩu nước ngoài. Nhiều nhà sản xuất, thương mại đang chờ đợi những thay đổi các chính sách, trong đó có chính sách thuế. Ngành công nghiệp khai khoáng gặp khó khăn do giá dầu giảm ảnh hưởng đến sản lượng.

Giá trị tăng thêm ngành xây dựng quý I tăng 9,94% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm nay giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 70% giá trị tăng thêm khu vực I) giảm 2,69%. Nguyên nhân do sản lượng lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long và sản lượng cây trồng vụ đông ở miền Bắc sụt giảm...

Về cơ cấu cấu GDP, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, tỷ lệ giữa đầu tư và tiết kiệm như hiện tại vẫn ở mức hợp lý,vấn đề rủi ro nợ công vẫn trong ngưỡng an toàn.

Nhiều khó khăn cần khắc phục trong 9 tháng còn lại

Đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, nhìn chung, các tháng còn lại năm 2016 có khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Chính phủ và các Bộ ngành địa phương cần phải nỗ lực để vượt qua khó khăn, đạt được các mục tiêu trong đó có mức tăng trưởng 6,7% mà Quốc hội đã thông qua.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, từ nay đến cuối năm tăng trưởng kinh tế sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó có yếu tố hạn hán ngập mặn ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Giá dầu thô trên thị trường vẫn ở mức thấp ảnh hưởng đến thu ngân sách của quốc gia.

Việc điều chỉnh dịch vụ y tế và học phí ảnh hưởng đến mức tăng CPI của nền kinh tế, đồng thời việc điều chỉnh này không tác động đến cung, không kích thích nhiều đến sản xuất.

Việc điều hành chính sách tỷ giá của NHNN tương đối ổn định linh hoạt nhưng chịu tác động lớn các yếu tố bên ngoài.

Về thương mại quốc tế, cạnh tranh về thị trường đầu ra cũng như chi phí sản xuất đầu vào với các nước có nền sản xuất tương đồng ngày càng mạnh. Trong khi đó, bên cạnh những thuận lợi và những dấu hiệu khởi sắc về kinh tế của năm 2015 nhưng với bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế Việt Nam cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng bất lợi.

Trong 9 tháng còn lại, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và có chính sách phù hợp để đẩy mạnh tăng trưởng ngành chế biến chế tạo lên mức khoản 12-13% có đóng góp cho tăng trưởng cuối năm. Nếu giá dầu có diễn biến thuận lợi có thể khai thác thêm, tăng thu cho ngân sách.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đã tính toán đến việc điều chỉnh giá các dịch vụ như y tế, học phí cũng sẽ ảnh hưởng đến CPI, tác động đến nhiều người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lộ trình  điều hành giá theo cơ chế thị trường vẫn phải thực hiện, nhưng việc tăng giá phải gắn liền với các chính sách cho người có thu nhập thấp, bảo đảm an sinh, giữ ổn định cho cuộc sống người dân.

Ông Lâm cho rằng các bộ ngành cần phối hợp xây dựng các kịch bản kinh tế chi tiết khác nhau, căn cứ vào các diễn biến tình hình kinh tế thế giới.

Nguồn: chinhphu.vn

Nguồn: chinhphu.vn