Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 tăng 0,13% so với tháng 6/2016. So với các tháng đầu năm 2016, mức tăng CPI tháng 7/2016 chỉ cao hơn mức tăng CPI tháng 1/2016 (tháng 1/2016 ổn định, tháng 2/2016 tăng 0,42%, tháng 3/2016 tăng 0,57%, tháng 4/2016 tăng 0,33%, tháng 5/2016 tăng 0,54%, tháng 6/2016 tăng 0,46%) và là mức tăng tương đối thấp so với mức tăng CPI của tháng 7 trong các năm gần đây.

CPI tháng 7/2016 tăng ở 8 nhóm, trong đó nhóm Giao thông tăng cao nhất 1,19%; Các nhóm còn lại có mức tăng nhẹ từ 0,01-0,17%.

CPI tháng 7/2016 tăng 2,39% so với cùng kỳ năm trước; tăng 2,48% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân bảy tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm trước tăng 1,82%.

Chỉ số giá vàng tháng 7/2016 tăng 5,36%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,21% so với tháng 6/2016. So với tháng 12/2015, chỉ số giá vàng tăng 15,55%, chỉ số giá đô la Mỹ giảm 1,02%.

Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2016 tăng 0,1% so với tháng trước, tăng 1,85% so với cùng kỳ; Bảy tháng đầu năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%, tương đối sát so với lạm phát chung (tăng 1,82%).

Theo quy luật hàng năm, một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá tháng 7/2016 đó là: thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện, nước sạch sinh hoạt tăng, khiến giá điện, nước lũy tiến tăng; nhu cầu tiêu dùng đồ giải khát, đồ điện tử (như: quạt điện, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh... để làm mát) tăng từ đó gây sức ép tăng giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ này. Bên cạnh đó, giá một số nguyên liệu như trứng, đường tăng do các doanh nghiệp tăng thu mua để chuẩn bị làm bánh phục vụ Rằm Trung thu sắp tới.

Bên cạnh những yếu tố gây sức ép tăng giá, một số yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong tháng 7/2016 như: Giá thế giới các mặt hàng xăng dầu thành phẩm (trừ dầu madut), LPG, sắt, thép,... giảm hoặc ổn định làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong nước.

Mặc dù tháng 7 diễn ra kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia và thi đại học năm 2016 nhưng do việc tổ chức thi được chuyển về các cụm tại địa phương nên không làm tăng đột biến nhu cầu và giá các dịch vụ lưu trú, ăn uống ngoài gia đình tại các thành phố lớn. Trong nước, giá lúa gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ yếu, trong khi nguồn cung lại dồi dào sau vụ thu hoạch lúa Đông Xuân và Hè Thu. Giá gạo xuất khẩu giảm còn do sức ép gia tăng từ các cuộc đấu thầu bán gạo của Chính phủ Thái Lan.

Bên cạnh đó, nguồn cung đa số các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trên thị trường khá dồi dào; việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương đã góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng này.

Dự báo trong tháng 8/2016, một số yếu tố có thể tác động gây sức ép tăng nhẹ lên mặt bằng giá gồm: Nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 dự báo sẽ ở mức cao trong tháng tới, từ đó có khả năng đẩy giá một số mặt hàng như: đồ dùng học tập, quần áo, giầy dép, mũ nón, dịch vụ may mặc... tăng.

Nhóm thực phẩm có thể tăng giá do tác động từ yếu tố thời tiết: tháng 8 tiếp tục xảy ra mưa bão gây tăng giá một số mặt hàng thực phẩm tươi sống tại những địa phương bị ảnh hưởng; giá trứng có thể tăng do các doanh nghiệp tiếp tục tăng thu mua để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất bánh Trung Thu. Ngoài ra, trong trường hợp thời tiết còn nắng nóng sẽ tiếp tục làm tăng giá điện sinh hoạt lũy tiến, nước sinh hoạt lũy tiến.

Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng giảm giá nhẹ trong tháng tới như mặt hàng thóc gạo do nguồn cung tiếp tục được bổ sung từ vụ thu hoạch lúa Hè Thu trong khi nhu cầu gạo tiêu thụ trong nước và cho xuất khẩu ở mức thấp; mặt hàng phân bón, vật liệu xây dựng vẫn có xu hướng giảm do nhu cầu thấp...

Bên cạnh đó, tác động theo độ trễ của việc điều chỉnh giảm giá xăng trong nước vào ngày 20/7/2016 cùng với xu hướng giảm nhẹ của giá xăng dầu trên thị trường thế giới sau khi sự kiện Brexit là những yếu tố làm giảm sức ép lên mặt bằng giá chung.

Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp tăng cường quản lý, kiểm soát, bình ổn thị trường, giá cả theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ; chương trình bình ổn thị trường phục vụ mùa khai trường 2016-2017 được thực hiện hiệu quả tại một số địa phương (điển hình là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương,...).

Dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2016 tăng nhẹ so với tháng 7/2016.

Nguồn: Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính/Thời báo Tài chính Việt Nam