Trang kinh tế báo Le Monde có bài “Châu Á lo ngại phải trả giá cho cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.
Trong lúc cuộc quyết đấu giữa Washington và Bắc Kinh chưa có dấu hiệu sớm có thể thuyên giảm, các nước châu Á đang phải tính toán đến những tác động đối với nền kinh tế của mình. Bài viết nhận định: “Cho đến giờ, gia tăng căng thẳng nhìn chung vẫn chưa ảnh hưởng tới toàn khu vực, một khu vực kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu và lệ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng gió có thể đang đổi chiều”.
Le Monde ghi nhận: Cuối tháng 10 vừa qua, một loạt Chỉ số quản lý thu mua (PMI) được công bố cho thấy hoạt động sản xuất gia công ở các nước như Malaysia, Thái Lan và Vùng lãnh thổ Đài Loan đang hụt hơi. Tại Hàn Quốc, niềm tin của các doanh nghiệp cũng rơi xuống mức thấp nhất từ hai năm trở lại đây.
Cũng như đa số các nước trong khu vực, Hàn Quốc vẫn coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu khi tiêu thụ 1/4 lượng hàng xuất khẩu của Xứ sở Kim Chi.
Từ nhiều tháng qua, Washington và Bắc Kinh "ăn miếng trả miếng" nhau bằng các đòn trừng phạt thuế quan trên lượng hàng hoá trị giá hàng trăm tỷ USD.
Nhưng có điều là các mặt hàng vẫn gọi là "Sản xuất tại Trung Quốc" (Made in China) lại chứa đựng rất nhiều chi tiết được nhập từ các nước láng giềng. Khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị sụt giảm thì các nhà cung ứng châu Á cũng không thể tránh khỏi "vạ lây".
Khi tăng trưởng chững lại cũng có thể khiến nhu cầu của Trung Quốc về một loạt các sản phẩm và dịch vụ bị cắt giảm như: kim loại đồng ở Lào, linh kiện điện tử ở Việt Nam rồi đến du lịch tới Campuchia hay Thái Lan - những điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 1 điểm sẽ kéo theo cả khu vực còn lại của châu Á giảm 0,5 điểm.
Tuy nhiên, một số nước có thể hy vọng được hưởng lợi từ bối cảnh này, nhất là nếu các nhà công nghiệp quyết định quy hoạch lại địa điểm của một phần sản xuất của họ để né thuế Mỹ đánh vào các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc.
Bài viết nhận định: “Đã có một cơ sở công nghiệp vững chắc, giá thành sản xuất vẫn còn hấp dẫn và một loạt các thỏa thuận tự do mậu dịch đã ký, châu Á vẫn còn những ưu thế”.
Những nước có thu nhập thấp cũng có "lá bài" để chơi trong lĩnh vực có ít lời lãi vốn từ lâu vẫn do Trung Quốc thống trị. Ví dụ: Bangladesh đã trở thành nhà xuất khẩu quần áo may sẵn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia vẫn cần có thời gian để phác thảo lại chiến lược sản xuất của mình nên trước mắt những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn hiện hữu và lợi nhuận sẽ không thể có được trước năm 2020.