Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều được kỳ vọng đem đến những thay đổi mới cho Triều Tiên - quốc gia vốn khép kín với thế giới bên ngoài. Hội nghị cũng được coi là phép thử để xem liệu Triều Tiên có sẵn sàng đánh đổi chương trình hạt nhân để đạt được những nhượng bộ từ Mỹ, trong đó có dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt như một điều kiện tiên quyết để phục hưng nền kinh tế hay không.
Ông Kim Jong-un và những cải cách kinh tế chưa từng có
Vov.vn dẫn các nguồn tin ABC và New York Times cho biết, kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã thực hiện nhiều chiến dịch cải cách kinh tế lớn chưa từng có tại Triều Tiên. Ông đã ban hành nhiều ưu đãi cho nông dân và chủ doanh nghiệp, thúc đẩy một “nền kinh tế tiền mặt” (nghĩa là thị phần thanh toán hầu như dùng chủ yếu bằng tiền mặt, thay vì hàng hóa đổi hàng hóa), từng bước đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo. Đây là điều mà cha ông, cố lãnh đạo Kim Jong-il chưa từng thực hiện được trong suốt nhiệm kỳ của mình. Nhận xét về nền kinh tế Triều Tiên, cây bút Matthew Carney của hãng tin ABC cho biết, bộ mặt Triều Tiên đã thay đổi đáng kể từ khi ông đến đây vào năm 2015. Người nông dân được tự quyết định các loại mặt hàng họ sản xuất, miễn là họ đáp ứng được những chỉ tiêu nhà nước đề ra, tương tự như những cải cách mà Trung Quốc đã thực hiện vào những năm 1980.
ABC dẫn số liệu từ một số nhà kinh tế cho biết, kinh tế của Triều Tiên đã tăng trưởng từ 1% đến 2% kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Còn theo đánh giá của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, kinh tế Triều Tiên đã tăng mức trung bình khoảng 1,24% dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un và là mức tăng nhanh nhất trong 17 năm qua.
Là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, ông Kim Jong-un hiểu rằng để có được sự phát triển toàn diện, Triều Tiên cần phải mở cửa với thế giới để đón nhận các cơ hội đầu tư cũng như cập nhật công nghệ mới.
Nền kinh tế Triều Tiên lớn cỡ nào?
Triều Tiên đã ngừng công bố các số liệu thống kê chi tiết từ thập niên 60. Bốn thập kỷ qua, báo cáo ngân sách quốc gia hàng năm của nước này chỉ công bố vài con số về nguồn thu và chi tiêu. Từ đầu những năm 2000, Chính phủ nước này đã bỏ hẳn số liệu chính xác về từng khoản, chỉ giữ lại phần trăm thay đổi của mỗi lĩnh vực qua từng năm.

Sự khan hiếm thông tin khiến các nhà kinh tế không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kết hợp những gì được công bố với ước tính về sản lượng công nghiệp, nông nghiệp dựa trên ảnh chụp vệ tinh, ảnh nhiệt và cả hệ thống tình báo, Marcus Noland –chuyên gia về Triều Tiên thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho biết.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc - được coi là nguồn dữ liệu đáng tin cậy nhất về Triều Tiên, sử dụng các số liệu do Chính phủ cung cấp cùng với mạng lưới tình báo để đưa ra con số ước tính. Theo Lee Seog-Ki, nhà nghiên cứu cấp cao thuộcViện Thương mại và Kinh tế Công nghiệp Hàn Quốc, những thông tin này rất đa dạng, từ lưu lượng nước chảy qua các đập, khói thải ra từ ống khói cho đến diện tích lúa tại Triều Tiên.
Tuy nhiên, những dữ liệu này thường rất khó so sánh. Trong khi tổ chức này ước tính GDP của Triều Tiên theo đồng nội tệ, trong khi tổ chức khác lại tính theo tỷ giá với USD vào thời điểm đó hoặc điều chỉnh theo lạm phát.
Dưới đây là tỷ lệ GDP của Hàn Quốc và Triều Tiên qua các năm theo tính toán của các tổ chức gồm Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Liên hợp Quốc (UN), Maddison Project, Bộ Ngoại giao Mỹ và CIA.
Trong 26 năm từ 1990 - 2016, ước tính của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc về kinh tế Triều Liên lớn hơn 1,8 lần so với ước tính của UN. Tất cả cơ quan này đều thừa nhận sự chênh lệch lớn này là do có nhiều dữ liệu không chắc chắn. Ví dụ, CIA thừa nhận rằng ước tính của cơ quan này theo ngang giá sức mua (PPP) của Triều Tiên (là 40 tỷ USD) được làm tròn số tới gần 10 tỷ USD.
Vì thiếu nhiều số liệu nên các nhà kinh tế học cũng không thể biết được người dân Triều Tiên có thu nhập tung bình bao nhiêu tiền mỗi năm. Dưới đây là ước tính vào năm 2011 của Maddison Project, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và UN.
Các số liệu về thương mại của Triều Tiên cũng có mức sai số cao, dù các đối tác thương mại của nước này đều công bố kim ngạch xuất nhập khẩu. Có nhiều nguyên nhân cho việc này, ví dụ như chính phủ nhiều nước khi ra báo cáo vẫn tính lẫn số liệu giữa 2 miền Triều Tiên hoặc cố ý giấu để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Triều Tiên.
Dưới đây là tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Triều Tiên theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), UN và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Hàn Quốc (KOTRA) từ năm 1990 đến 2017.

Câu hỏi đặt ra là: nếu những con số đều thiếu sót, tại sao các tổ chức vẫn cố phân tích và dự báo? Theo nhà nghiên cứu Rüdiger Frank, điều này đơn giản là quy luật cung cầu. "Nếu bạn tiếp tục yêu cầu, số liệu sẽ được đưa ra", ông nhận định.

Nguồn: VITIC (tổng hợp từ Bloomberg, Vov)

Nguồn: Vinanet