Tại Bình Dương, việc đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về các khu công nghiệp là sự đồng hành của công đoàn, các doanh nghiệp và cũng là cầu nối hiệu quả giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần quảng bá thương hiệu hàng hóa... và là dịp để người lao động có thu nhập thấp tiếp cận được hàng hóa vừa túi tiền, vừa bảo đảm chất lượng.
Triển khai nhiều mô hình mới
Một trong những mô hình thiết thực cho người lao động ở Công ty Cổ phần Sao Việt (Khu công nghiệp Đồng An, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) được dùng hàng Việt Nam chất lượng cao giá rẻ, rõ nguồn gốc xuất xứ, cũng như tiết kiệm thời gian sau giờ tan tầm là thành lập được mô hình siêu thị Công đoàn (một mô hình đã được nhân rộng của nhiều công đoàn cơ sở khác) tại khuôn viên công ty.
Anh Nguyễn Bình Yên, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Sao Việt cho biết, đội ngũ công nhân lao động tại công ty hiện đang có hơn 4.000 người, thu nhập bình quân mỗi người khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Xuất phát từ việc vì sức khỏe của công nhân lao động, sau giờ tan ca, người lao động phải chen chúc nhau mua sắm ở những hàng quán lề đường với giá cả không phù hợp, chất lượng không bảo đảm và tiêu chí người Việt Nam dùng hàng Việt.
Chính vì vậy, ngay cuối tháng 8/2013, Công ty đã thành lập siêu thị Công đoàn và vẫn duy trì phát huy hiệu quả đến giờ.
Hiện siêu thị mở cửa từ 15 giờ - 21 giờ, bán hơn 800 mặt hàng nhãn hiệu Việt với đủ các sản phẩm như gạo, rau, thịt, dầu ăn, đồ gia dụng... giá rẻ được các nhãn hàng chiết khấu từ 5 - 40% ( trong các đợt khuyến mãi).
Hơn nữa, hàng hóa được bày bán tại siêu thị hầu hết đã cắt giảm các chi phí nên sản phẩm, hàng hóa ở đây được bán với giá gốc cho công nhân, chất lượng sản phẩm được công đoàn giám sát.
Theo bà Mai Thanh Thảo, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp Bình Dương, có khoảng 1,2 triệu công nhân lao động và 29 khu công nghiệp, chính vì vậy ngoài mô hình “siêu thị Công đoàn” đang được nhiều doanh nghiệp triển khai trên toàn tỉnh nhằm ủng hộ 10 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ngoài ra, Công đoàn tỉnh Bình Dương còn triển khai các mô hình theo Chương trình phúc lợi đoàn viên do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động để cung ứng sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của công nhân lao động như: mô hình cung ứng theo hình thức phát voucher, mô hình gạo sạch cho công nhân, các điểm bán hàng cố định, các chuyến hàng lưu động theo định kỳ tại các Khu công nghiệp....
"Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có điều kiện kết nối trực tiếp với người tiêu dùng; đồng thời, qua đó hỗ trợ đoàn viên, công nhân lao động được tham quan, mua sắm, tiếp cận trực tiếp với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng và uy tín do các doanh nghiệp cung cấp, sản xuất… qua các đợt triển khai đã được đông đảo đoàn viên, công nhân lao động hưởng ứng nhiệt tình", bà Mai Thanh Thảo khẳng định.
Chị Trần Thị Huế, công nhân Khu công nghiệp Đồng An ( thị xã Thuận An, Bình Dương) chia sẻ: Nếu như 5 năm trước việc vào siêu thị mua hàng là khá xa xỉ đối với công nhân lao động thì hiện nay giá nhiều mặt hàng giữa chợ không nhãn hiệu và các mặt hàng lương thực thương hiệu Việt tại các siêu thị giá cả tương đồng, mặt hàng phong phú có nguồn gốc rõ ràng, nhiều khi khuyến mãi giá lại rẻ hơn thị trường chợ từ 10-15%.
Thách thức tồn đọng
Tuy nhiên, ông Hoàng Long, Giám đốc siêu thị Co.opMart Bình Dương nhận định: Việc đưa hàng Việt vào các khu công nghiệp, các nhãn hàng, doanh nghiệp cần được tuyên truyền nhiều hơn nữa để biết được thêm thông tin người lao động mong muốn điều gì, cần gì ở hàng hóa mà các nhà bán lẻ cung cấp.
Ngược lại, công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp cũng cần được quảng cáo rộng rãi về chương trình và về lợi ích mà từ chuỗi hoạt động thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt.
Các gian hàng Việt Nam chất lượng cao tại phiên chợ thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN
Đối với siêu thị Co.opmart Bình Dương ngoài việc đưa hàng Việt về nông thôn - Khu công nghiệp thì siêu thị cũng đã tập trung vào điểm bán tại chỗ hệ thống chứ chưa đưa chuỗi vào trong các khu công nghiệp.
Siêu thị giúp khách hàng được trải nghiệm thực tế với nhiều chương trình khuyến mại kèm quà tặng sản phẩm, tư vấn sản phẩm cho người tiêu dùng nhiều hơn.
Chính vì vậy, các thương hiệu Việt vẫn cần có những chính sách cụ thể hỗ trợ cho các nhà bán lẻ tại Việt Nam, để cộng đồng doanh nghiệp có thể đồng hành lâu dài với các chương trình kết nối cung ứng hàng Việt tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ông Bùi Minh Trí, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết: Hiện nay, tại khu công nghiệp có nhiều công ty với số lượng công nhân đông và diện tích lớn.
Chính vì vậy, các công ty này đều có thể mở riêng các siêu thị bán hàng Việt Nam trong quy mô doanh nghiệp, còn trong khu công nghiệp, do địa hình các xe vận tải lớn đi lại nên không thể cho bán hàng lưu động gây ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, khi thành lập khu công nghiệp, việc quy hoạch ban đầu của các khu công nghiệp dành riêng cho phần đất kinh doanh dịch vụ thương mại có số lượng nhất định, nếu các siêu thị muốn phát triển hoạt động trong khu công nghiệp cần tuân theo các quy định, hay thuê được mặt bằng,...đó để hoạt động.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, trong 10 năm (2009 – 2019) thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở đã tổ chức thành công với 108 phiên chợ tại các khu vực nông thôn và khu cụm công nghiệp với tổng doanh thu đạt 50,325 tỷ đồng.
Hơn nữa, bình quân mỗi phiên chợ có 20-25 doanh nghiệp tham gia với khoảng 40-45 gian hàng thu hút khoảng 12.000 lượt khách tham quan, mua sắm; bên cạnh việc bán hàng khuyến mại, giảm giá để phục vụ cho thanh niên công nhân, nhân dân vùng nông thôn, tại mỗi phiên chợ.
Nhìn chung Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển biến về nhận thức trong các tầng lớp nhân dân ý thức về sự quan tâm, ưu tiên sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước.
Người dân mua sắm tại phiên chợ Hàng Việt. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN
Một số doanh nghiệp, nhà sản xuất đã quan tâm hơn đến xu hướng sử dụng hàng Việt của người dân, việc hạ giá cả, xây dựng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn cải tiến mẫu mã, nâng chất lượng.
106 chợ truyền thống phần lớn bán hàng Việt Nam, 7 siêu thị có treo băng rôn tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với hơn 80% quầy hàng mang thương hiệu Việt.
Tuy nhiên, theo ông Hồ Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Công Thương, do những biến cố hàng giả, hàng trôi nổi trên thị trường nên có một bộ phận người Việt chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt.
Không những thế, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa quan tâm đến hoạt động tuyên truyền, quảng bá, tham gia các hội chợ, nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm Việt Nam.
Riêng với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng không tốt, mẫu mã chưa phong phú, giá cả chưa hợp lý và sức cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trong nước trở nên gay gắt hơn khi Việt Nam đã mở cửa thị trường hàng hóa.
Cũng theo ông Hồ Văn Bình, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Báo; Đài Phát thanh và Truyền hình tuyên truyền đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng như vận động doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia xây dựng Thương hiệu hàng Việt Nam.
Mặt khác, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Đề án Xúc tiến Thương mại năm 2019 - 2020; trong đó, thực hiện tốt 15 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia 11 hội chợ triển lãm chuyên ngành và hội chợ triển lãm tổ chức tại các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, nâng cao thị phần nội địa nhất là tiêu thụ hàng hóa trong thời điểm kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn.