Thông tin đã chính thức được Jaks công bố, tuần trước tập đoàn này đã ký thỏa thuận với CPECC để phát triển Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, quy mô 1.200 MW. Thỏa thuận này đã được ký tại Kuala Lumpur.

Cụ thể, theo thỏa thuận, tỷ lệ góp vốn trong dự án này là 50:50. Trong đó, Jaks Power Holding Ltd, công ty con của Tập đoàn Jaks, góp 140,1 triệu cổ phiếu trong Công ty Jaks Parcific Power Ltd (JPP) - công ty đầu tư Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương, với giá là 140,1 triệu USD. CPECC cũng có phần đóng góp tương tự - 140,1 triệu cổ phiếu, với giá 140,1 triệu USD.

Thông tin từ Jaks cho biết, trong cấu trúc vốn của Dự án, thì 25% là vốn chủ sở hữu, 75% còn lại là vốn vay thương mại. “CPECC đã có được tất cả các chấp thuận có liên quan từ các cơ quan chức năng của Trung Quốc để đầu tư dự án này, với phần vốn góp là 50% trong liên doanh, cũng như các vấn đề liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật”, thông cáo của Jaks cho biết.

Chia sẻ về thỏa thuận này, ông Tan Sri Datuk Husun Bin Haji Ismail, Chủ tịch Jaks nói rằng, Jaks “thật vinh dự” khi có đối tác là CPECC tham gia dự án này.

“Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng khoảng 49.000 MW các dự án điện. Thêm vào đó, CPECC và công ty mẹ là China Energy Engineering Group cũng sẽ cung cấp bảo lãnh để đảm bảo toàn bộ cam kết vốn chủ sở hữu và tài trợ vốn cho dự án”, ông Tan nói và cũng bày tỏ hy vọng rằng, với kinh nghiệm kỹ thuật và khả năng tài chính của mình, CPECC sẽ góp phần thúc đẩy việc triển khai Dự án.

Thậm chí, khá lạc quan, ông Tan cho rằng, sự tham gia của CPECC sẽ làm “thay đổi cục diện” cho Jaks. Lý do là vì, khi Dự án được triển khai, Jaks có thể có thêm doanh thu từ những hợp đồng EPC và khi Dự án đi vào hoạt động, Tập đoàn có thể phát điện và bán lại điện.

Kế hoạch đã được Jaks nhắc đến, đó là Dự án sẽ khởi công vào quý I/2016 và đi vào hoạt động trong năm 2020.

Vẫn còn một chặng đường dài phải qua từ thỏa thuận cho tới thực tế triển khai, trong đó bao gồm cả việc làm các thủ tục đầu tư cần thiết với các cơ quan chức năng Việt Nam, tuy nhiên, động thái này đã mang lại tia hy vọng mới cho Dự án Nhiệt điện BOT Hải Dương.

Nhận giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 8/2011 theo hợp đồng BOT với Bộ Công thương rất nhanh sau đó, vào ngày 9/9/2011, đã động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng, nên nhiều kỳ vọng đã được đặt ra đối với Dự án BOT Nhiệt điện Hải Dương. Tuy nhiên, gần 4 năm trôi qua, chưa có nhiều tiến triển đối với dự án này.

Thậm chí, vào thời điểm cuối năm 2013, đầu năm 2014, Jaks vướng “nghi án” yếu kém về năng lực tài chính để triển khai Dự án. Vào thời điểm đó, Jaks Hải Dương đã nhiều lần bị UBND tỉnh Hải Dương gửi trát đòi các khoản nợ vay ứng trước cho việc đền bù giải phóng mặt bằng.

Khi đó, trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn, đại diện của Jaks Hải Dương khẳng định, họ có đủ năng lực tài chính để triển khai Dự án, chỉ là đang chờ đối tác mới. Thời gian chờ đợi dù khá lâu, hơn một năm rưỡi, nhưng dù sao, động thái tích cực cũng đã có.

Vấn đề bây giờ chỉ là, mong cho cuộc hôn phối giữa Jaks và CPECC “cơm lành canh ngọt”. Nói như vậy là bởi Jaks cũng đã từng bị đổ bể thỏa thuận hợp tác với Công ty Island Circle Investment Holding Ltd (Malaysia) và Công ty Meiya Power Ltd (Trung Quốc) để phát triển Dự án Nhiệt điện Hải Dương.

Sau khi đổ bể sự hợp tác này, đầu năm 2013, Jaks cũng đã tuyên bố đã tìm được hai đối tác mới để thay thế. Đó là Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company (Kaidi - Trung Quốc) và Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB - Malaysia). Theo thỏa thuận khi đó, Jaks Power Holding Limited (JPH), công ty con 100% vốn của Jaks và cũng là công ty nắm giữ 100% vốn của JPP sẽ bán một nửa số vốn của JPP tại dự án này cho hai công ty nói trên, với tỷ lệ 40% cho Kaidi và 10% cho SMSB. Tuy nhiên, cuộc hợp tác cũng bất thành. SMSB tuyên bố rút khỏi Dự án. Và ngay cả Wuhan Kaidi, dù lúc ấy được đánh giá là rất tiềm năng, giờ cũng không thấy có tên trong thỏa thuận hợp tác mới.

Nếu thỏa thuận của Jaks và CPECC suôn sẻ, hy vọng một dự án BOT nhiệt điện nữa được triển khai. Hiện rất nhiều dự án BOT ngành điện đã và đang được các nhà đầu tư nước ngoài theo đuổi, nhưng số lượng dự án được cấp chứng nhận đầu tư đã ít, dự án đã được triển khai còn ít hơn.

Cho đến nay, ngoài các dự án điện BOT Phú Mỹ 3, Phú Mỹ 2.2., Mông Dương 2 đã đi vào hoạt động, BOT Hải Dương và Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đang chờ được triển khai, thì còn hàng loạt dự án BOT ngành điện khác đang “nằm chờ”, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hàng chục tỷ USD.

Theo Nguyên Đức
Báo Đầu tư

Nguồn: Đầu tư