Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2016, các doanh nghiệp (DN) đầu mối trên địa bàn đã tích cực triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND thành phố trong sản xuất, kinh doanh xăng E5. Tính đến nay, đã có 3 trạm phối trộn đi vào hoạt động với công suất khoảng 40.000 m3/tháng. Thời gian tới, sẽ có thêm 1 trạm phối trộn đi vào hoạt động, nâng công suất lên 50.000 m3/tháng, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hiện tại cũng như khả năng tiêu thụ tương lai. Đồng thời, các DN đầu mối cũng quan tâm đến công tác truyền thông, giới thiệu sản phẩm xăng sinh học E5 thông qua băng rôn, khẩu hiệu, hướng dẫn của đội ngũ nhân viên tới khách hàng đến mua xăng…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - việc tổ chức kinh doanh xăng E5 vẫn chủ yếu tập trung vào các DN đầu mối (có 100/136 cửa hàng kinh doanh xăng E5), các thương nhân phân phối (có 23/28 cửa hàng có kinh doanh xăng E5) trên địa bàn, chiếm 93% tổng số cửa hàng kinh doanh xăng E5. Các DN là đại lý bán lẻ xăng dầu, thương nhân nhượng quyền, cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa quyết liệt thực hiện chuyển đổi, kinh doanh xăng E5 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố.

Về vấn đề này, ông Lê Hồng Thăng cho rằng, đối với DN đầu mối, nguồn cung E100 vẫn gặp nhiều khó khăn, trên thị trường Việt Nam tại thời điểm này chỉ có 2 nguồn cung từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và Công ty Tùng Lâm tại Bình Dương, nên chi phí vận chuyển về Hà Nội cao. Đối với nguồn cung xăng E5, hiện đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu khi các cửa hàng xăng dầu chuyển đổi theo lộ trình. Tuy nhiên, theo báo cáo của các DN, hiện giá vốn bình quân của xăng E5 cao hơn xăng Ron 92 khoảng 400 đồng/lít (chưa bao gồm chi phí pha chế, bán hàng). Ngoài ra, khi kinh doanh xăng E5, chi phí tăng thêm 200 đồng/lít do phải đầu tư trạm phối trộn, hao hụt, chi phí tạo nguồn E100… nên việc kinh doanh xăng E5 chưa đem lại hiệu quả kinh tế như với xăng Ron 92.

Trong khi DN đầu mối gặp không ít khó khăn, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cũng gặp nhiều trở ngại. Theo đó, khi thực hiện lộ trình, các cửa hàng bán lẻ sẽ phát sinh thêm chi phí cải tạo, sửa chữa bể... Do khối lượng công việc lớn, chi phí phát sinh cao nên đòi hỏi phải thực hiện từng bước, có lộ trình, bảo đảm kinh doanh có lãi của DN…

Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn thành phố có 306 cửa hàng xăng dầu có diện tích dưới 300m2, chỉ 169 cửa hàng có diện tích lớn hơn 300m2. Với 306 cửa hàng có diện tích dưới 300m2, việc cải tạo, sửa chữa để bố trí thêm bể chứa xăng sinh học E5 gặp nhiều khó khăn do diện tích nhỏ, không bảo đảm khoảng cách từ bể chứa đến các công trình trong cửa hàng quy định…

Để đẩy mạnh triển khai kinh doanh xăng E5 theo đúng lộ trình, ông Lê Hồng Thăng kiến nghị, cần có chính sách về giá, thuế, phí, chi phí kinh doanh xăng E5; bảo đảm khuyến khích DN bán xăng E100, E5, nhất là trong thời gian triển khai kinh doanh.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử