Khả năng nối lại đàm phán thương mại Mỹ-Trung vừa lóe lên đã bị dội gáo nước lạnh bằng đòn trả đũa lẫn nhau giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, có ý kiến nhận định rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây có thể là thời điểm gia tăng áp lực, buộc Trung Quốc thay đổi hành vi.
Ngày 1/8, các quan chức Mỹ cho biết Tổng thống Trump có thể sẽ nâng mức thuế trừng phạt đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD Trung Quốc từ 10% lên 25%. Trong tuyên bố được đưa ra, phía Mỹ nêu rõ Chính quyền của Tổng thống Donald Trump tiếp tục hối thúc Trung Quốc chấm dứt các hành vi thương mại thiếu công bằng, mở cửa thị trường và tham gia cạnh tranh lành mạnh.
Hai ngày sau, Ủy ban Thuế vụ Hải quan thuộc Chính phủ Trung Quốc tuyên bố đánh thuế các mức 5%, 10%, 20% và 25% đối với 5.207 mặt hàng sản xuất tại Mỹ với tổng trị giá 60 tỷ USD. Báo Liên hợp Buổi sáng ngày 6/8 dẫn phát biểu tại Singapore của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện xuất phát từ lợi ích của nhân dân Trung Quốc và nhằm bảo vệ thể chế thương mại tự do với trung tâm là Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Rõ ràng, Trung Quốc vẫn chưa phát đi tín hiệu nhượng bộ Mỹ trong cuộc chiến thương mại có quy mô lớn nhất lịch sử nhân loại này. Trên thực tế, hai bên đều có các quân bài trong tay, nhưng lại đều thiếu lý do để nhượng bộ trước. Do vậy, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ diễn biến thành cuộc đối đầu kéo dài.
Nguy cơ này được cho là có thật, nhất là khi xét đến nhiều phát biểu của giới chức Mỹ. Trả lời phỏng vấn của Bloomberg hôm 3/8, cố vấn kinh tế cấp cao của Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng điều mà Washington muốn thấy là các cải cách thương mại, nhưng phía Trung Quốc không thực hiện. Ông Kudlow cũng cảnh báo Bắc Kinh không nên xem nhẹ quyết tâm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trước đó một ngày, khi trả lời phỏng vấn của kênh Fox Business Network, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cũng nói rõ rằng việc Mỹ đưa ra các biện pháp thuế quan nhằm vào hàng hóa Trung Quốc là buộc Trung Quốc phải thay đổi các hành vi thiếu minh bạch và không công bằng.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc luôn sẵn sàng “ăn miếng trả miếng” khiến Tổng thống Trump cho rằng ông cần tiếp tục gia tăng áp lực với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo ông Ross, một chính trị gia trước đây được coi là có thái độ ôn hòa với Trung Quốc, nếu Bắc Kinh tiếp tục tránh né cải cách, chiến tranh thương mại sẽ gây ra thêm nhiều thiệt hại và hệ quả khó lường đối với xã hội Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh nếu Trung Quốc từ chối tạo dựng môi trường cạnh tranh kinh tế bình đẳng, Mỹ sẽ không ngừng gia tăng áp lực. Nhà bình luận thời sự chính trị Mỹ Gordon Chang cũng cho rằng hiện nay Trung Quốc đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn, và Mỹ có thể không cần đàm phán với Trung Quốc mà chỉ cần gây sức ép.
Tạp chí The Economists ngày 6/8 cho rằng Bắc Kinh đã điều chỉnh sách lược ứng phó với chiến tranh thương mại, đó là tránh mở rộng các xung đột và chủ yếu chuẩn bị các đối sách lâu dài. Trên thực tế trong năm 2017, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 129,9 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ và xuất siêu sang Mỹ hơn 375 tỷ USD, vì vậy Trung Quốc không thể áp dụng biện pháp thuế quan tương đương với Mỹ.
Theo The Economists, các mức thuế khác nhau mà Trung Quốc áp dụng với số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ, khác với mức thuế đồng đều 25% mà Washington đe dọa, chủ yếu là nhằm tránh giáng đòn mạnh vào tiêu dùng, sinh hoạt của dân chúng cũng như sự vận hành và tồn tại của doanh nghiệp Trung Quốc.
Hơn thế nữa, Trung Quốc cũng không lớn tiếng tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp phi thuế quan như trước đây, để chủ động tránh đẩy xung đột lan sang nhiều khía cạnh khác như tiền tệ hay khoa học công nghệ.

Nguồn: TTXVN