Hà Nội chủ động ứng phó khi thị trường có biến động trong dịp Tết là khẳng định của bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội tại buổi làm việc giữa Sở Công Thương Hà Nội và Bộ Công Thương tổ chức ngày 18/12.
Buổi làm việc về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cũng như quản lý chuyên ngành một số mặt hàng như xăng dầu, rượu, hạ tầng thương mại.
Ngay từ tháng 6/2018, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với UBND các quận, huyện trên địa bàn định hướng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết.
Đến nay, 30/30 quận, huyện đã thực hiện xong công tác chuẩn bị hàng hóa. Sở cũng xây dựng quy trình nắm bắt, tổng hợp và báo cáo thông tin thị trường hàng hóa và Kịch bản ứng phó khi thị trường hàng hóa phục vụ Tết xảy ra biến động.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã triển khai hoạt động sản xuất, ký kết hợp đồng khai thác hàng hóa dự trữ để bảo đảm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết đạt khoảng 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát dự kiến sản xuất đưa ra thị trường phục vụ tết khoảng 10.000 tỷ đồng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhóm hàng như bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến, chè, miến dong, bột sắn… với tổng giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng. Doanh nghiệp kinh doanh thương mại dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng 15.300 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, năm 2019 Hapro sẽ phát triển 3 điểm mới đồng thời xử lý những điểm chưa hợp lý. Những năm gần đây, nhu cầu của người dân thay đổi và thời gian nghỉ tết dài, nên năm nay Hapro tăng lượng hàng dự trữ khoảng 5% so với năm ngoái, dự kiến doanh thu tăng 5 – 10%.
Doanh nghiệp cũng xây dựng một số thương hiệu bán trong dịp tết như gạo Đồng Tháp, miến dong, mộc nhĩ, nấm hương; đồng thời liên kết với một số địa phương để bán hàng dịp Tết.
Hapro cũng triển khai các điểm bán hàng tại các khu công nghiệp, vùng nông thôn, chương trình chợ Tết tại huyện Ứng Hòa. Hapro tham gia 10 gian hàng tại Chương trình hội chợ Xuân và tiếp tục bán hàng đến chiều 30 Tết, mùng 4 Tết phục vụ trở lại; một số điểm nhỏ bán hàng liên tục.
Ông Trần Cứu Quốc, đại diện hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, Vinmart đã làm việc với các nhà cung cấp, dự kiến chuẩn bị 30 tấn thịt bò, 25 tấn thủy hải sản, 500 tấn rau, 1000 tấn trái cây, bánh mứt kẹo các loại khoảng 1.200 tấn, 1 triệu lít bia, 800 tấn gạo, 100 tấn thịt lợn…
Để bình ổn thị trường, năm nay doanh nghiệp đã chốt với các đơn vị cung cấp và đưa hàng về dự trữ tại các kho tổng để bảo đảm ổn định nguồn hàng. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình khuyến mãi phục vụ người dân.
Bà Trần Thị Phương Lan cũng nêu những bất cập trong kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Chất lượng hàng hóa tại một số hội chợ chưa chặt chẽ, làm giảm uy tín của hàng Việt. Vì đây là thời điểm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao nên các doanh nghiệp liên tục tổ chức hội chợ, rất khó để kiểm soát chất lượng hàng hóa. Để quản lý chất lượng sản phẩm, các cơ quan chức năng cần phải kiểm soát hàng hóa của doanh nghiệp ngay từ khi cấp phép tham gia hội chợ.
Các doanh nghiệp cũng phản ánh, mặc dù Bộ Công Thương đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tổ chức hội chợ để tiêu thụ sản phẩm nhưng có một số doanh nghiệp không đủ năng lực dẫn tới không kiểm soát được đầu vào của chất lượng hàng hóa; thậm chí hàng giả, hàng nhái trà trộn dẫn đến tình trạng người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng hóa tại các hội chợ hàng Việt, nhất là dịp cuối năm. Vì vậy, Bộ Công Thương cần xây dựng tiêu chí doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức hội chợ.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước khẳng định, vai trò của Hà Nội trong việc bình ổn thị trường, kiểm soát chỉ số CPI với tổng mức bán lẻ rất quan trọng. Bộ Công Thương đánh giá cao công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành của Sở Công Thương Hà Nội trong dịp Tết. Hà Nội đã chuẩn bị tốt nguồn hàng và có quy trình xử lý cũng như kịch bản ứng phó khi có biến động về hàng hóa là cách làm hay cần nhân rộng ra các địa phương trên cả nước.
Liên quan đến mặt hàng thịt lợn, theo đánh giá của liên Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu có thể tăng đột biến trong dịp Tết. Sắp tới với Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị kết nối về thịt lợn giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để giúp người tiêu dùng không thiếu nguồn cung trong dịp Tết, tạo nguồn cung ổn định và giá tốt trong dịp tết.