Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 1,7%; điện tử, máy tính và linh kiện giảm 5,3%; vải giảm 3,5%; sắt thép giảm 4,5%; chất dẻo giảm 2,8%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép giảm 5,4%; sản phẩm chất dẻo giảm 1,2%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Sáu tăng 21,6%. Một số mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công lắp ráp trong nước có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 31,9%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 27,8%; điện thoại và linh kiện tăng 49,8%. 

Kim ngạch nhập khẩu của hầu hết mặt hàng trong 6 tháng đầu năm tăng so với cùng kỳ năm trước: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 18,4 tỷ USD, tăng 37,8%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 16,2 tỷ USD, tăng 28,2%; điện thoại và linh kiện đạt 6,2 tỷ USD, tăng 29,5%; vải đạt 5,6 tỷ USD, tăng 10,1%; sắt thép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 24,3% (lượng giảm 16,1%); chất dẻo đạt 3,5 tỷ USD, tăng 24,6% (lượng tăng 14,2%); xăng dầu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 31,4% (lượng tăng 1,7%); nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 9,5%; kim loại thường khác đạt 2,7 tỷ USD, tăng 19,8% (lượng giảm 13,8%); sản phẩm chất dẻo đạt 2,5 tỷ USD, tăng 20,6%; sản phẩm hóa chất đạt 2,1 tỷ USD, tăng 18,7%; hóa chất đạt 2 tỷ USD, tăng 34,8%; thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu đạt 1,7 tỷ USD, tăng 15,5%; tân dược đạt 1,3 tỷ USD, tăng 4%; bông đạt 1,3 tỷ USD, tăng 58,6% (lượng tăng 33,2%); gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 21%.

Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 92,2 tỷ USD, tăng 24,6% và chiếm 91,7% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu (giảm 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2016), trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 43,8 tỷ USD, tăng 27% và chiếm 43,6% (tăng 1,0 điểm phần trăm); nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 48,4 tỷ USD, tăng 22,6% và chiếm 48,1% (giảm 0,6 điểm phần trăm). Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 8,3 tỷ USD, tăng 18,6% và chiếm 8,3% (giảm 0,3 điểm phần trăm).

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 27,1 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2016[19], trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công lắp ráp tăng: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 28%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 29,2%; điện thoại và linh kiện tăng 13,8%. Thị trường Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ hai đạt 22,5 tỷ USD, tăng 51,2%, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 123,5%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 46,1%; điện thoại và linh kiện tăng 37,7%. Tiếp theo là thị trường ASEAN đạt 13,6 tỷ USD, tăng 17,6%, trong đó: Xăng dầu tăng 11,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 2,7%. Nhật Bản đạt 7,7 tỷ USD, tăng 10,7%, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện tăng 22,8%; sắt thép tăng 17,9%. EU đạt 5,8 tỷ USD, tăng 16,3%, trong đó: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 12,9%; dược phẩm tăng 2,6%. Hoa Kỳ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 27,2%, trong đó: Bông tăng 104,2%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 38,5%.

Tổng cục Thống kê

Nguồn: vietnamexport.com