Hội thảo “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và tác động tới phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội” vừa được tổ chức sáng 22/9 đã đánh giá những tác động tích cực cũng như hạn chế của việc gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN đối với kinh tế, văn hóa, xã hội của TP Hà Nội, từ đó đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cho thành phố, các sở, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong việc ban hành chính sách, nắm bắt cơ hội, hợp tác đầu tư…

Theo TS Nguyễn Đình Dương, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, việc xây dựng AEC đang tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức không nhỏ đối với các nước ASEAN, nhất là các nước đi sau và có trình độ phát triển kinh tế thấp hơn, trong đó có Việt Nam. Trước sự hình thành và phát triển của AEC, Hà Nội cũng đứng trước những tác động to lớn, cả về cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong suốt thời gian qua, kinh tế Thủ đô có nhiều phát triển. Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô vẫn phát triển chưa toàn diện, chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô; chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh còn thấp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng thấp hơn 5 năm trước đó, tăng trưởng công nghiệp dịch vụ, xuất khẩu xu hướng chậm dần, chưa lấy lại được đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, Hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực vẫn chưa sâu, liên kết phát triển vùng hiệu quả còn hạn chế.

Định hướng phát triển kinh tế thành phố Hà Nội, theo TS.Nguyễn Thành Công, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội: để tiếp tục phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng nhanh, bền vững, gắn với AEC, cần tập trung ưu tiên một số giải pháp như: thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với việc cơ cấu lại kinh tế Thủ đô. Đồng thời, tập trung phát triển mạnh các phân, ngành, lĩnh vực Thủ đô có thế mạnh, nhất là các dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Phát triển một số ngành có hàm lương tri thức và công nghệ cao như dịch vụ hàng không, viễn thông, công nghệ thông tin; hiện đại hoá và mở rộng các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, xây dựng Hà Nội thành trung tâm tài chính ngân hàng hàng đầu ở phía Bắc và có vai trò quan trọng trong cả nước,...

PGS.TS Hoa Hữu Lân, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng: để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của DN Hà Nội trong quá trình tham gia cộng đồng AEC vào cuối năm 2015, Hà Nội cần quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp: hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến lộ trình cắt giảm thuế, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN theo yêu cầu của AEC, tăng cường tuyên truyền về quá trình tất yếu tham gia AEC đối với các DN, hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ về xuất-nhập khẩu, vốn, thiết bị công nghệ, nguồn nhân lực đối với các DN. Về giải pháp vi mô, các DN cần tập trung trong cải thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường khả năng cạnh tranh, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Hoàng Hà