Khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV chính thức được khai mạc sáng ngày 20/7. Tại kỳ họp này, Quốc hội chủ yếu tập trung cho công tác nhân sự cấp cao và thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Vào phiên làm việc ngày 22/7, Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã tái đắc cử làm Chủ tịch Quốc hội.

Giá vàng giảm liên tiếp trong tuần

Chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi đà đi xuống của thế giới, giá vàng trong nước tuần qua đã có những ngày giảm giá liên tiếp và luôn ở dưới mốc 37 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Lượng giao dịch vàng miếng khá ổn định và cân bằng. Tuy nhiên, vào phiên cuối tuần, giá vàng bất ngờ tăng trở lại. Mở cửa phiên giao dịch ngày 22/7, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được niêm yết ở mức 36,47 – 36,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). Chênh lệch cao hơn vàng thế giới khoảng 900 nghìn đồng mỗi lượng.

Tỷ giá trung tâm của NHNN điều chỉnh tăng

Tuần qua, tỷ giá trung tâm của NHNN được điều chỉnh tăng liên tiếp và chỉ giảm vào phiên giao dịch cuối tuần, dao động ở mức 21.873 – 21.895 đồng/USD. Tại các NHTM lớn, tỷ giá mở cửa hầu như đứng yên. Ngày 22/7, Vietcombank niêm yết tỷ giá giao dịch USD ở mức 22.260 – 22.330 đồng/USD.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng 2016 cao hơn so với cùng kỳ 2015

Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2016 lên tới 8,16% trong nửa đầu năm nay, cao hơn mức 7,86% cùng kỳ năm 2015. Trước đó, cuối tháng 6 vừa qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng được công bố ở mức 6,82%; con số ước tính ít ngày sau đó đạt trên 7% và mức 8,16% nói trên có thể là con số cuối cùng. Và theo Ngân hàng Nhà nước, tốc độ đó là phù hợp với chỉ tiêu định hướng 18-20% của cả năm.

Nợ công có thể vượt trần cuối năm nay

Đây là một trong những dự báo được Chính phủ đưa ra tại báo cáo gửi Quốc hội. Hiện mức trần nợ công cho phép là 65% GDP, cuối năm 2015, nợ công/GDP ở mức 62,2%, áp sát ngưỡng kiểm soát. Trong khi đó, nợ Chính phủ thực tế đã vượt trần 0,3% (ở mức 50,3% GDP).

Doanh nghiệp EU tiếp tục lạc quan về môi trường kinh doanh tại Việt Nam

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường kinh doanh quý II/2016. Theo đó, với việc chỉ số này đạt mức 77 cho thấy phản hồi tích cực của cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Khối các doanh nghiệp đều cho rằng, sự ổn định kinh tế vĩ mô có khả năng sẽ tiếp tục, với 56,3% phản hồi "ổn định và cải thiện” và chỉ có 9,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự đoán kinh tế vĩ mô sẽ suy giảm. Khảo sát này được thực hiện trước thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý của Anh về việc tiếp tục là thành viên hay rời khỏi EU (ngày 23/6), do đó kết quả khảo sát không liên quan đến sự kiện này.

Quy định chi tiết 3 loại thuế được ưu đãi đối với dự án đầu tư tại Việt Nam

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016, quy định chi tiết 3 loại thuế được ưu đãi đối với dự án đầu tư tại Việt Nam. Đó là ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi thuế nhập khẩu, ưu đãi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Quy định về xuất khẩu khoáng sản

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 12/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2012/TT-BCT ngày 21/12/2012 quy định về xuất khẩu khoáng sản. Thông tư này quy định danh mục, tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu và điều kiện khoáng sản xuất khẩu. Bộ Công Thương có quyền yêu cầu dừng việc xuất khẩu khoáng sản đối với doanh nghiệp xuất khẩu bị phát hiện vi phạm các quy định của Thông tư này. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/8/2016.

Tổng quan tình hình xuất-nhập khẩu nửa đầu năm 2016

Theo Tổng Cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt hơn 82 tỷ USD, tăng 5,7% tương ứng tăng gần 4,44 tỷ USD so với cùng kỳ. Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu đạt hơn 80,43 tỷ USD, giảm nhẹ 0,8% (tương ứng giảm 684 triệu USD) so với cùng kỳ. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 162,57 tỷ USD, tăng 2,4%, tương ứng tăng hơn 3,76 tỷ USD so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp tự vệ dưới dạng thuế NK bổ sung đối với phôi thép NK

Ngày 18/7/2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương sẽ áp dụng biện pháp tự vệ dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung đối với phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam. Hàng hóa nhập khẩu bị áp dụng biện pháp tự vệ bao gồm phôi thép hợp kim và không hợp kim; các sản phẩm thép dài hợp kim và không hợp kim (bao gồm thép cuộn và thép thanh) nhập khẩu vào Việt Nam.

Cụ thể: Sẽ giữ nguyên mức thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép trong vòng 01 năm, tức là đến ngày 21/3/2017 là 23,3%; Từ ngày 22/3/2017 – 21/3/2018 mức thuế còn 21,3%; từ ngày 22/3/2018 – 21/3/2019 mức thuế còn 19,3% và giảm xuống còn 17,3% trong 01 năm sau đó. Từ ngày 22/3/2020 trở đi sẽ về mức 0% nếu không có gia hạn.

Đối với thép dài nhập khẩu vào Việt Nam, mức thuế áp dụng sẽ vẫn giữ nguyên là 14,2% theo quyết định áp dụng biện pháp tạm thời, cho đến ngày 1/8/2016, tức là trước ngày Quyết định áp dụng biện pháp chính thức có hiệu lực.Tuy nhiên, từ ngày 2/8/2016 đến ngày 21/3/2017, mức thuế sẽ điều chỉnh tăng lên 15,4% áp dụng cho năm đầu tiên; Trong 01 năm sau đó, tức là đến ngày 21/3/2018 mức thuế sẽ là 13,9% và giảm xuống còn 12,4% trong 01 năm tiếp theo; giảm tiếp xuống còn 10,9% đến ngày 21/03/2020 và từ ngày 22/3/2020 sẽ về 0% nếu không gia hạn.

Dệt may xuất khẩu khó đạt mục tiêu 30 tỉ USD

Xuất khẩu dệt may khó đạt mục tiêu 30 tỉ USD. Nguyên nhân chủ yếu là do các yếu tố khách quan , giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn. Doanh nghiệp dệt may đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ giá, thị trường, chi phí lao động không ngừng tăng và đối mặt những rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước. Ngoài ra, nhiều cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay nên đã tạo ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thêm chính sách giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển

Theo Cục Quản lý và giám sát Bảo hiểm, Bộ Tài chính, thực hiện Nghị định  67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản, trong đó có chính sách bảo hiểm (BH) cho ngư dân, đến nay cả nước đã có 14.977 tàu cá trên 90CV của ngư dân được BH. Thông qua cơ chế hỗ trợ phí BH, bồi thường BH khi xảy ra sự kiện BH, ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, phát triển ngành thủy sản bền vững, trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc…

Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua BH cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, hợp tác xã khai thác hải sản, nghiệp đoàn nghề cá, có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có xác nhận, phê duyệt đối tượng hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Cầu nối đưa nông sản Việt Nam "xuất ngoại"

Tại cuộc gặp gỡ giữa doanh nghiệp Việt Nam với đại diện cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài diễn ra ngày 21-7, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã đề xuất tìm giải pháp cho nông sản Việt “xuất ngoại” thuận lợi hơn.

Tổng Thư ký Hội Doanh nhân nữ cho hay, Việt Nam có nhiều tiềm năng về nông sản nên các doanh nghiệp hy vọng đại sứ Việt Nam tại nước ngoài quan tâm mở rộng thị trường xuất khẩu, xúc tiến thương mại với các quốc gia như: Hà Lan, Phần Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản…, đặc biệt là những thị trường Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA). “Chúng tôi đang ráo riết thay đổi, đầu tư công nghệ để hướng tới xuất khẩu” - đại diện Hội Doanh nhân nữ chia sẻ.

Nguồn: VITIC tổng hợp