Giá vàng trong tuần ít biến động

Tuần qua, giá vàng trong nước ít biến động và khá ổn định quanh mốc trên 35 triệu đồng. Giá vàng có xu hướng tăng nhẹ qua các phiên và giảm vào phiên cuối tuần, dao động ở khoảng 35,45 – 35,60 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 35,60 – 35,75 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Trên thị trường giao dịch có thể thấy xu hướng tăng nhẹ của giá thế giới chưa đủ lực để kích cầu trong nước vọt cao. Kết thúc tuần làm việc, lúc 8h10’ sáng 21/10, giá vàng SJC của công ty của Tập đoàn Doji được niêm yết ở mức 35,57 – 35,63 triệu đồng/lượng và cao hơn vàng thế giới 1,6 triệu đồng mỗi lượng.

Tỷ giá trung tâm biến động liên tục

Tỷ giá trung tâm của NHNN tuần qua liên tục biến động, tăng giảm xen kẽ nhau, dao động ở  khoảng 22.005 – 22.020 đồng/USD. Tuy nhiên trái ngược với sự tăng giảm của tỷ giá trung tâm, giá giao dịch USD tại các NHTM lớn hầu như “lặng yên” qua các phiên. Mở cửa phiên giao dịch cuối của tuần, giá đồng bạc xanh niêm yết tại Vietcombank đứng ở mức 22.270 – 22.340 đồng/USD (Mua vào – bán ra).

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ 2017 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra sáng nay (20/10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết  trong 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao cho năm 2016, thống kê và dự báo đến nay có 11 chỉ tiêu đạt, trong đó có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Riêng 2 chỉ tiêu về tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xuất khẩu "đạt xấp xỉ mục tiêu đề ra". Cụ thể, GDP tăng 5,93%, đạt thấp so với cùng kỳ. Dự báo cả năm, kinh tế tăng trưởng 6.3-6,5%, thấp hơn mục tiêu 6,7%. Trong đó, nông nghiệp chỉ tăng 0,65%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 7,4%, song riêng khai khoáng lại giảm 4,1% (cùng kỳ tăng 8,6%).

Năm 2017, Chính phủ đề ra kế hoạch một số chỉ tiêu cơ bản: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6-7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%... Cùng với đó, tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%...

Moody’s công bố xếp hạng tín dụng mới nhất đối với 9 ngân hàng của Việt Nam

Hãng xếp hạng tín dụng Moody's vừa công bố xếp hạng tín dụng mới nhất đối với 9 ngân hàng của Việt Nam. Theo đó, Moody's nâng mức xếp hạng tín dụng dài hạn và Xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) từ Caa1 lên B2. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) được nâng xếp hạng từ Caa1 lên B3. Triển vọng xếp của 2 ngân hàng này ở mức ổn định.

Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng dài hạn của 5 ngân hàng khác nhưng nâng BCA thêm 1 bậc gồm Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Các ngân hàng này được Moody's giữ triển vọng ở mức ổn định.

EuroCham đánh giá điều kiện kinh doanh tại Việt Nam nhìn chung rất tích cực

Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết đánh giá của các doanh nghiệp thành viên về điều kiện kinh doanh tại Việt Nam nhìn chung rất tích cực. Hơn 70% nhận định tình hình hiện tại của họ là "xuất sắc" và "tốt". Rất ít phản hồi "không tốt" và "rất xấu". Khi được yêu cầu nhận xét về kinh tế vĩ mô Việt Nam quý IV, phần lớn thành viên EuroCham tin tưởng tình hình sẽ tiếp tục "ổn định và cải thiện".

Chính phủ đồng ý thực hiện thị thực điện tử cho khách nước ngoài đến du lịch tại Việt Nam

Tổng cục Du lịch cho biết Chính phủ vừa đồng ý thực hiện thị thực điện tử (e-visa) cho khách nước ngoài đến du lịch Việt Nam, bắt đầu từ 1-1-2017. Việc thí điểm thực hiện e-visa không áp dụng rộng rãi cho tất cả du khách mà sẽ áp dụng cho những người đến từ các thị trường trọng điểm của ngành du lịch. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Chính phủ chưa quyết định thị trường nào sẽ được áp dụng e-visa.

Tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết trong 9 tháng đạt khoảng 4,9 tỷ USD

Tại hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn Viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi do Ban chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi tổ chức chiều 18/10, ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tổng vốn ODA và vốn vay ưu đã đã ký kết trong 9 tháng năm 2016 đạt khoảng trên 4,9 tỷ USD, cao gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Về tình hình giải ngân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân trong 9 tháng năm nay ước đạt 2,685 tỷ USD, bằng 81,4% mức giải ngân cùng kỳ năm ngoái (năm ngoái giải ngân 9 tháng đạt 3,300 tỷ USD). Cụ thể mức giải ngân của 9 tháng năm nay gồn ODA vốn vay và vốn ưu đãi đạt 2,525 triệu USD, ODA viện trợ không hoàn lại đạt 160 triệu USD.

Tổng kim ngạch XNK 9 tháng tăng so với cùng kỳ

Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tính từ đầu năm 2016 đến hết tháng 9 đạt 253,44 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, tương ứng tăng gần 9,5 tỷ USD. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 3,72 tỷ USD.

Ưu đãi miễn thuế nhập khẩu ô tô, mô tô cho người Việt hồi hương, người Việt định cư ở nước ngoài

Quyết định 31/2015/TTg ưu đãi miễn thuế nhập khẩu ô tô, mô tô cho người Việt hồi hương, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc tại Việt Nam vừa bị bãi bỏ. Theo đó,  nguyên nhân đưa ra là thời gian qua, một số cá nhân đã lợi dụng chính sách ưu đãi này để trục lợi. Thống kê của bộ này cho thấy, trong số hơn 1.000 ôtô nhập khẩu dưới dạng tài sản di chuyển của Việt kiều hồi hương có chưa đến 100 xe được đăng ký lưu hành dưới tên của Việt kiều, số còn lại hầu hết sau khi nhập khẩu đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam.

Ủy ban Chống bán phá giá Úc quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm thép mạ hợp kim

Thương vụ Việt Nam tại Úc cho biết, Uỷ ban Chống bán phá giá (Bộ Công nghiệp, Đổi mới và Khoa học) Úc đã ra quyết định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với sản phẩm “thép mạ hợp kim” nhập khẩu từ Ấn Độ, Malaysia và Việt Nam. Theo đó, hàng hóa bị điều tra là thép mạ hợp kim (galvanished steel) mã HS: 7210.49.00, 7212.30.00, 7225.92.00 và 7226.99.00. Giai đoạn điều tra phá giá và trợ cấp từ 01/7/2015 – 30/06/2016. Giai đoạn điều tra thiệt hại: từ 01/7/2012.

Thái Lan khởi xướng điều tra thép tấm không hợp kim Việt Nam

Theo tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Cục Ngoại thương (DFT) – Bộ Thương mại Thái Lan vừa khởi xướng điều tra rà soát gia hạn biện pháp tự vệ với sản phẩm thép tấm không hợp kim nóng cuộn và không cuộn của một số nước, trong đó có Việt Nam.

Cùng với thông báo này, DFT cũng ban hành bản câu hỏi điều tra và thời hạn để trả lời bản câu hỏi và gửi tới DFT là trươc 16h30 ngày 14/11/2016. Đồng thời DFT cũng thông báo sẽ tổ chức phiên điều trần dự kiến vào lúc 9 giờ ngày 10/11/2016. Tuy nhiên, các bên liên quan cần đăng ký tham gia trước 16 giờ 30 ngày 28/10/2016…

Cần lưu ý là trong vụ việc điều tra gia hạn lần này,nếu lượng xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 3% tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan, DFT có thể sẽ không loại trừ hàng xuất khẩu của Việt Nam ra khỏi biện pháp tự vệ (nếu áp dụng).

Việt Nam đạt nhiều thành tựu về sản xuất thuốc

Đến nay cả nước đã có 159 nhà máy đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), bao gồm thuốc tân dược và thuốc dược liệu; 4 nhà máy sản xuất vaccine, sinh phẩm y tế đạt tiêu chuẩn GMP, 188 doanh nghiệp có kho đạt tiêu chuẩn GSP (thực hành tốt bảo quản thuốc); 171 cơ sở tiêu chuẩn GLP (hệ thống an toàn chất lượng phòng thí nghiệm); trên 42.000 cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc), quầy thuốc, tủ thuốc trạm y tế; trên 2.000 doanh nghiệp bán thuốc đạt tiêu chuẩn GDP (thực hành tốt phân phối thuốc), theo báo cáo của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế).

Nguồn: VITIC tổng hợp

 

Nguồn: Vinanet