Giá vàng trong nước biến động
Tuần qua, thị trường vàng trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ các sự kiện quốc tế. Giá vàng tăng lên theo từng phiên giao dịch và có xu hướng hạ nhiệt vào phiên cuối tuần 13/4, dao động trong khoảng 36,62 – 36,86 triệu đồng/lượng (chiều mua vào) và 36,82 – 37,06 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Tuy nhiên, theo nhận định của Doji, giao dịch vẫn chủ yếu xuất phát từ nhu cầu nhỏ lẻ, tích trữ của người dân. Lượng khách theo chiều bán vàng ra chiếm khoảng 60% trên tổng lượng khách hàng giao dịch tại hệ thống.
Tỷ giá trung tâm liên tục tăng
Không chỉ có vàng tăng giá, tuần qua, tỷ giá trung tâm của NHNN cũng liên tục tăng mạnh và đứng ở mức cao, trong khoảng 22.472 – 2.492 đồng/USD. Nguyên nhân của việc tăng giá trên là do luồng thông tin trên thị trường quốc tế đồng USD tăng khá nhanh trở lại sau những tuyên bố bất ngờ của ông Donald Trump về một thông điệp mang tính trì hoãn, tạm thời gạt mối lo về một cuộc đối đầu khốc liệt giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, tại các Ngân hàng TM, giá đồng đô la nhìn chung vẫn ổn định. Đầu giờ sáng 13/4, đa số ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng đô la Mỹ không đổi so với cuối phiên liền trước, phổ biến ở mức 22.755 đồng (mua) và 22.825 đồng (bán). Giá USD trên thị trường chợ đen đứng ở mức: 22.790 - 22.810 đồng/USD.
Tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin
Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký chỉ thị hỏa tốc về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tưởng tự khác. Hoạt động này nhằm hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật; huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản…
Kinh tế quý 1 và dự báo cả năm 2018
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế - tài chính quý 1 và dự báo cả năm 2018 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, GDP quý 1/2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm trước nhờ động lực chính từ khu vực công nghiệp và xây dựng với ngành công nghiệp chế biến chế tạo là nòng cốt. Tổng cung của nền kinh tế trong quý 1/2018 tiếp tục duy trì được đà tăng cao của quý 4/2017 trên cả 3 khu vực.
Đưa ra dự báo tăng trưởng cả năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng các quý tiếp theo tiếp tục có những diễn biến thuận lợi như quý 1, dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 có thể đạt 6,9% - 7,1%. Dự báo lạm phát cả năm 2018, Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, nếu không có yếu tố đột biến, lạm phát năm 2018 sẽ tăng ở mức 3,5% - 3,8% so với cùng kỳ.
Giảm thu do thực hiện cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA)
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2018, giảm thu do thực hiện cam kết tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) khoảng 30.150 tỷ đồng. Trong đó, do thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi từ ASEAN giảm từ 30% xuống 0% khiến giảm thu khoảng 2.500 tỷ đồng; thuế đối với mặt hàng linh kiện phụ tùng ô tô giảm từ 20% xuống 0% làm giảm thu khoảng 1.100 tỷ đồng.
Tổng số vốn kế hoạch đầu tư bằng mức 91,3% tổng mức kế hoạch Quốc hội quyết định
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến nay tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn đã triển khai phân bổ và được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đạt 1.642.828,563 tỷ đồng, bằng 91,3% tổng mức kế hoạch được Quốc hội quyết định.
Thực tế, tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 tối đa là 2 triệu tỷ đồng. Nhưng theo quy định phải trích 10% dự phòng chung theo từng nguồn vốn. Do đó, tổng số vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 được phép phân bổ tối đa là 1,8 triệu tỷ đồng.
Tình hình xuất-nhập khẩu quý 1/2018
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố, tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý 1/2018 đạt 55,6 tỷ USD, tăng tới 11,1 tỷ USD, tương đương tốc độ tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Ở bên kia cán cân, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý 1/2018 đạt 52,87 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 21,16 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,71 tỷ USD. Như vậy, chỉ trong nửa cuối tháng 3, cả nước xuất khẩu lượng hàng hóa có giá trị gần 11,2 tỷ USD, góp phần giúp nước ta xuất siêu đến gần 2,7 tỷ USD trong quý 1/2018. Đây được xem là mức xuất siêu cao nhất trong nhiều năm qua và cũng vượt xa con số ước tính 1,3 tỷ USD trước đó.
Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình giá cát xây dựng biến động
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về tình hình giá cát xây dựng biến động lớn ảnh hưởng đến việc thực hiện phiếu xây dựng.
Để bảo đảm triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi và bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 325/TB-VPCP ngày 25/7/2017 về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi; tăng cường quản lý cát sỏi tại các địa phương, nhu cầu sử dụng, khai thác, vận chuyển làm vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp; thường xuyên nắm thông tin về giá cả, nguồn cung, chống việc đầu cơ, tích trữ để tăng giá.
Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet