Thượng đỉnh Mỹ - Trung khả năng sẽ được tổ chức vào tháng 4 tới
Theo Hãng tin Bloomberg ngày 14/3, hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều khả năng sẽ được tổ chức sớm nhất vào tháng 4 tới.
Cũng theo nguồn tin này, các nhà đàm phán của hai bên đang nỗ lực thương thảo một thỏa thuận nhằm giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ lạc quan về cơ hội đạt được thỏa thuận với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có cơ hội thuận lợi để đạt được thỏa thuận, một phần vì Trung Quốc muốn kết quả này sau khi hứng chịu các biện pháp thuế quan từ Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông không vội vàng hoàn tất một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, đồng thời khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ thương mại - một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong những tháng qua.
Tuy nhiên, ông hiểu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ thận trọng trong cuộc gặp thượng đỉnh, dự kiến diễn ra vào cuối tháng này tại Florida (Mỹ), sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Việt Nam vừa kết thúc cuối tháng 2 vừa qua mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào.
EU sẽ không thương lượng thêm về thỏa thuận Brexit
Nghị sĩ châu Âu phụ trách Brexit nhấn mạnh thỏa thuận "ly hôn" giữa EU và Anh là thỏa thuận cuối cùng, hàm ý sẽ không có thương lượng lại, ngay cả khi Brexit được hoãn lại đến ngày 30/6 hay lâu hơn.
Phát biểu với hãng tin Reuters, ông Hubner cho biết: "Gia hạn một chút chỉ đồng nghĩa với việc để Anh có thể thông qua các đạo luật cần thiết nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho việc ra đi theo thỏa thuận ly hôn đã được nhất trí".
Thủ tướng Anh đã quyết định đệ trình Hạ viện kiến nghị tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới về thỏa thuận Brexit trong thời gian từ nay tới ngày 20/3, sau khi Hạ viện đã 2 lần bác bỏ văn bản này.
Công nghiệp Trung Quốc tăng trưởng thấp nhất 17 năm
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), sản lượng công nghiệp của nước này trong 2 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 5,3%, mức tăng trưởng thấp nhất trong 17 năm qua, cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn trong tình trạng “hụt hơi”.
Dù vậy, đầu tư vào các tài sản cố định của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2019 đã tăng 6,1%. Trong đó, đầu tư tài vào tài sản cố định của khu vực tư nhân ở Trung Quốc tăng 7,5% trong 2 tháng trên.
Trung Quốc hiện đang tích cực hỗ trợ nền kinh tế trong nước dự kiến năm nay sẽ tăng trưởng thấp nhất trong 29 năm, trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới sa sút.
Châu Phi có là "miền đất hứa" với Mỹ?
Mặc dù có những khía cạnh tích cực trong chiến lược của Mỹ đối với châu Phi được công bố vào cuối năm ngoái, không có bất kỳ đề cập nào về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi gần đây.
Các hội nghị thượng đỉnh này nhằm thúc đẩy sự tương tác thường xuyên giữa các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và bên quan tâm ở các cấp độ khác nhau, đồng thời báo hiệu một ưu tiên chính sách rõ ràng của các chính phủ này. Các hội nghị thượng đỉnh trên cũng được xem như là một phương thức quan trọng để thúc đẩy lợi ích của mỗi quốc gia.
Hàn Quốc, Malaysia sẽ kết thúc đàm phán FTA trong năm 2019
Ngày 13/3, Hàn Quốc và Malaysia đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) và nỗ lực hoàn thành đàm phán trong năm nay.
Cam kết này được đưa ra tại cuộc gặp giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang ở thăm Kuala Lumpur và Thủ tướng nước chủ nhà Mahathir Mohamad, thảo luận về những biện pháp tăng cường hợp tác và trao đổi giữa hai nước.
Hai bên cũng nhất trí đẩy nhanh tiến độ đàm phán và dự kiến kết thúc đàm phán vào dịp hội nghị thượng đỉnh đặc biệt giữa Hàn Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào cuối năm nay.
Biến đổi khí hậu có thể gây bất ổn tài chính với Australia
Theo nhận định của Phó thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) Gui Debelle, biến đổi khí hậu và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít khí thải carbon sẽ có những tác động lớn về kinh tế, đòi hỏi phải có một sự chuyển đổi trật tự để đảm bảo ổn định tài chính. Biến đổi khí hậu sẽ gây bất ổn về tài chính khi các công ty bảo hiểm có thể sẽ phải đối mặt với các khoản thanh toán bồi thường lớn, không lường trước được. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp và hộ gia đình có thể mất quyền tiếp cận bảo hiểm.
Chưa có lời giải cho bất đồng giữa Mỹ và Canada về thuế nhôm, thép
Phát biểu tại Quốc hội Mỹ ngày 12/3, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngụ ý rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ không dỡ bỏ thuế quan đánh vào nhôm và thép nhập từ Canada mà không áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác, chẳng hạn như chế độ hạn ngạch.
Chính phủ Canada đã áp thuế quan trả đũa đối với một loạt sản phẩm của Mỹ và đang tiến hành đàm phán với Washington về vấn đề này. Catherine Cobden, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất thép Canada, đánh giá hệ thống hạn ngạch sẽ “kiềm chế tăng trưởng”. Tuy nhiên, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau không bác bỏ khả năng sẽ chấp nhận phương án bị áp hạn ngạch.
Mỹ sẽ ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp trong đàm phán FTA với Nhật Bản
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 12/3 cho biết nông nghiệp sẽ là lĩnh vực được ưu tiên khi Mỹ và Nhật Bản bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương.
Đại diện Thương mại Mỹ đã bày tỏ sự lo ngại khi được hỏi về phản hồi của chính quyền Tổng thống Donald Trump với việc cắt giảm thuế hơn nữa đối với xuất khẩu thịt bò của Australia và Canada vào Nhật Bản.
Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay có tên mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP) từ năm 2017, bởi nền kinh tế lớn nhất thế giới muốn tập trung vào các thỏa thuận thương mại song phương. CPTPP có hiệu lực từ ngày 30/12/2018.
Mỹ phản đối kế hoạch áp thuế kỹ thuật số của các nước EU lên WTO
Mỹ đang cân nhắc khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để phản đối những sắc thuế mới mà Washington cho là mang tính "phân biệt đối xử" nhằm vào các tập đoàn kỹ thuật số lớn như Facebook và Google vốn đang được Pháp và các quốc gia khác thuộc Liên minh châu Âu (EU) lên kế hoạch.
Phát biểu tại một phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính EU ở Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Romania Eugen Teodorovici cho biết các nước thành viên vẫn chưa nhất trí về một sắc thuế chung nhằm vào các tập đoàn kỹ thuật số trên quy mô toàn EU.
Hiện nhiều quốc gia như Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha đang đẩy nhanh việc đưa ra các kế hoạch ở cấp quốc gia sau khi các nước EU không đạt được một sự thống nhất về việc áp thuế đối với các tập đoàn kỹ thuật số.
Trung Quốc - "gót chân Asin" của kinh tế thế giới
Theo chuyên gia kinh tế Philippe Eulaerts, thuộc công ty đa quốc gia Thụy Điển SKF (Svenska KulalgerFabriken), mối đe dọa của kinh tế thế giới chính là sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc và những bất ổn này xuất phát từ 4 điểm yếu của nền kinh tế nước này là: Hoạt động tài chính ngầm, mập mờ về thống kê; tiêu dùng suy giảm và vấn đề sở hữu trí tuệ.
Hàn Quốc trở thành nước đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu dầu thô Mỹ
Theo báo cáo công bố ngày 12/3 của hãng theo dõi ngành năng lượng S&P Global Platts, Hàn Quốc đã vượt Trung Quốc trở thành nước đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong năm 2018.
Mức giá phải chăng cùng với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã góp phần tác động đến kết quả này.
Triều Tiên hạn chế số lượng du khách nước ngoài
Hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 12/3 cho biết từ đầu tuần tới Triều Tiên sẽ bắt đầu hạn chế lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này đã tăng đột biến kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần đầu tiên, diễn ra tại Singapore năm ngoái. Triều Tiên có kế hoạch giới hạn số lượng khách du lịch ở mức 1.000 lượt người mỗi ngày kể từ ngày 18/3 tới.
Theo giới quan sát, sự gia tăng lượng khách đến Triều Tiên là hiệu ứng từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất thu hút sự chú ý của du khách nước ngoài đối với đất nước khép kín này.
Nguồn: VITIC Tổng hợp

Nguồn: Vinanet